Phóng viên Hoài Thương: "Tôi vẫn sẽ đi vì không muốn mình là người ngoài cuộc"

PV/Ảnh: NVCC-Thứ năm, ngày 31/10/2024 19:02 GMT+7

VTV.vn - Cùng với nhiều đồng nghiệp khác, tháng 9 vừa qua, Hoài Thương là nữ phóng viên tạo nên các phóng sự chân thực tại làng Nủ, khiến khán giả không cầm được nước mắt.

Niềm trăn trở khôn nguôi với những đứa trẻ vùng lũ

Đến từ Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài THVN, phóng viên Hoài Thương là một trong hơn 100 nhân sự được tham gia tác nghiệp trong cơn bão số 3 vừa qua. Cô được giao nhiệm vụ "bọc lót", có độ lùi khi tác nghiệp khi đi cùng với ê-kíp của một đồng nghiệp khác là phóng viên Trường Sơn. Tuy nhiên, nữ phóng viên đã có những tác phẩm khiến nhiều khán giả không khỏi xúc động, đặc biệt là các phóng sự thực hiện tại làng Nủ. Giữa những muôn vàn câu chuyện, hoàn cảnh đau thương tại đây, cô đã phải trăn trở và suy nghĩ rất nhiều, nên lựa chọn câu chuyện, nhân vật nào để đưa đến với khán giả. Cuối cùng, Hoài Thương lựa chọn câu chuyện về những đứa trẻ ở làng Nủ, những người dân đã qua đời vì sạt lở.

Phóng viên Hoài Thương: Tôi vẫn sẽ đi vì không muốn mình là người ngoài cuộc - Ảnh 1.

Trở về sau chuyến công tác đặc biệt ấy, phóng viên Hoài Thương thú nhận cô vẫn chưa thể thực sự lấy lại được cân bằng. "Cảm giác tâm lý bị kiệt quệ, kiệt sức về cả thể chất và tinh thần, mỗi lần nghĩ tới là tôi lại không kiềm chế được mà khóc. Nhất là khi mọi người hỏi thăm tôi nhiều, lại khơi gợi ra những cảm xúc lúc tôi nhìn thấy những hình ảnh tang thương ấy, tôi không kìm được", cô xúc động nói.

Hoài Thương là một phóng viên đã có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp ở vùng bão lũ. Mỗi lần ra hiện trường làm việc, điều cô trăn trở nhất không chỉ là truyền tải những hình ảnh chân thực về sự tang thương của thiên tai, hay gửi tin bài về nhà mà với bản năng của một người phụ nữ, của một người mẹ, cô luôn hướng đến đối tượng trẻ em, bởi đó những người dễ chịu tổn thương nhất trong cơn bão lũ, thiên tai.

"Trong nhiều năm qua, khi tác nghiệp tại vùng chịu thiên tai, tôi luôn muốn tìm kiếm một câu chuyện nào đó về những đứa trẻ vùng lũ. Tôi mong muốn gửi tới khán giả những hình ảnh bão lũ khiến cuộc sống của các em vất vả như thế nào, để thấy được rằng người lớn cần nỗ lực hơn nữa để trẻ em có môi trường an toàn" - Hoài Thương nói tiếp - "Tuy nhiên, khi làm về trẻ em cũng cần cả sự tinh tế. Đó là cả một quá trình tích lũy từ nhiều năm làm nghề. Như trong phóng sự về những đứa trẻ ở làng Nủ, không có sự xuất hiện của những đứa trẻ ấy, chỉ có những hình ảnh rất gợi. Đó là hình ảnh của những chiếc cốc, chiếc bảng đen tại lớp học ghi ngày 6/9, chỉ một ngày sau lễ khai giảng đầu năm học, cũng là ngày cuối cùng các con được học ở trường".

"Điều người phóng viên truyền hình cần mang tới khán giả ngoài hình chân thực thì cần có cả những hình đủ gợi. Tôi nghĩ người phóng viên cũng cần cảm xúc tinh tế để nắm bắt được những hình ảnh ấy khi tác nghiệp".

Trong tương lai. nếu có cơ hội tác nghiệp ở vùng bão lũ thì tôi vẫn sẽ đi. Vì tôi không muốn mình là người ngoài cuộc.

Hoài Thương kể, hành trình tới Bát Xát, Lào Cai là lần đầu tiên và duy nhất trong đời cô có được. Con đường vốn thường đi ít phút nhưng ê-kíp của cô đã phải đi vòng qua 3 quả núi, cùng những chiếc quan tài, xung quanh là những người dân vừa đi vừa khóc. "Điều đó thật sự ám ảnh", cô tâm sự.

Tới làng Nủ, cảnh tượng trước mắt Hoài Thương là mọi thứ đã bị san bằng. Cô đã liên hệ với địa phương để thực hiện phóng sự về các em nhỏ nơi đây. 22h - khi vào tới trường học, cô đã không thể kìm được sự xúc động. "Vừa phỏng vấn tôi vừa khóc" - Hoài Thương kể - "Hình ảnh những chiếc cốc có tên các em vẫn còn đó, chỉ có các em là không còn nữa. Các em cũng nhỏ như con tôi vậy".

Phóng viên Hoài Thương: Tôi vẫn sẽ đi vì không muốn mình là người ngoài cuộc - Ảnh 5.

"Tôi đã nói với người quay phim cho mình - Chúng ta phải làm thế nào lột tả được tất cả bởi em chắc chắn đây sẽ là một câu chuyện khiến nhiều người ám ảnh về người dân vùng bão lũ. Cuối cùng, tác phẩm phóng sự ấy thực sự đã thực hiện được điều đó" - nữ phóng viên nói tiếp - "Đưa tin về bão lũ có rất nhiều như con số thương vong, thiệt hại… nhưng để khiến khán giả đồng cảm, có cùng cảm xúc được với những người dân vùng lũ thì phải tìm được lối đi riêng. Câu chuyện trong những phóng sự của tôi đến một cách tự nhiên, tôi phát hiện và đi theo thực hiện dù biết nguy hiểm".

"Khi tác nghiệp ở Bát Xát, tôi đã ghi âm lại lời gửi lại cho người thân ở nhà vì tình hình lúc ấy rất nguy hiểm. Trời mưa to, chúng tôi dừng chân ở một địa điểm vừa mới bị sạt lở, sau rất nhiều tiếng đi bộ đường rừng núi, chúng tôi mới ra được bên ngoài. Khoảnh khắc nhìn thấy đèn xe ô tô, chúng tôi thở phào vì sống rồi. Tôi nghĩ đây là những trải nghiệm nhớ đời với một người phóng viên. Lần này cũng mang đến cho tôi những kinh nghiệm quý báu khi tác nghiệp trong bão lũ".

Phóng viên Hoài Thương: Tôi vẫn sẽ đi vì không muốn mình là người ngoài cuộc - Ảnh 6.

Bông hoa sinh ra trong vùng rốn lũ Hương Khê

Hoài Thương sinh và lớn lên ở Hà Tĩnh, một vùng thường xuyên phải đối mặt với bão lũ. Cô nói ký ức tuổi thơ của mình là hình ảnh gia đình chạy lũ, bố mẹ đứng trên mái nhà với những chiếc bao tải. Cũng vì thế, cô có những cảm xúc về thương đau trong bão lũ chạm tới được nhiều khán giả.

Tôi sinh ra ở vùng lũ, lớn lên ở vùng lũ và trưởng thành từ bão lũ nên luôn sẵn sàng.

"Năm 1999, khi Đài THVN cử những phóng viên đầu tiên tác nghiệp ở vùng bão lũ, tôi lúc ấy mới chỉ là đứa trẻ. Tôi tự hỏi liệu mình có làm được điều đó không, và tôi đã làm được" - Hoài Thương bộc bạch - "Đồng nghiệp vẫn trêu chọc tôi là "bông hoa trong vùng rốn lũ Hương Khê". Trong lần tác nghiệp tại Lào Cai này, tôi đã xung phong được đi công tác. Vì là nữ, lại đi tác nghiệp ở nơi nguy hiểm nên lãnh đạo đơn vị cũng có lo lắng. Tuy nhiên, tâm thế của tôi là luôn sẵn sàng, có cơ hội là lên đường. Lần đi tác nghiệp trong bão lũ này tôi cũng thấy bình thường, đi để mình có trải nghiệm".

"Thực ra, gia đình khá lo lắng vì sợ xảy ra chuyện. Nhưng lúc ấy tôi cũng chẳng nghĩ được nhiều, nhiệt huyết của một người phóng viên khiến mình cứ tiến tới", cô nói.

Với lần tác nghiệp trong cơn bão số 3, Hoài Thương đã có những ký ức và trải nghiệm khó quên. Những cảm xúc tang thương ở vùng lũ sẽ cần một thời gian để cô bình ổn nhưng ký ức với cô là sự tồn tại mãi mãi, có thể vẫn khiến cô phải suy nghĩ mỗi khi nhớ lại. Nhưng Hoài Thương nói, nếu có một cơ hội được tác nghiệp ở những trường hợp đặc biệt như vậy, cô vẫn lựa chọn đi, lựa chọn dấn thân vì cô "không muốn mình là người ngoài cuộc".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước