Những ngày nửa cuối tháng 9/2024, một tuần sau khi trở về từ vùng bão lũ, nhóm phóng viên VTV tiếp tục trở lại Lào Cai để đưa tin khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Hành trình đồng hành với khán giả, cập nhật thông tin về các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 không chỉ dừng lại trong những ngày bão lũ dữ dội nhất, mà ở cả chặng đường phục hồi, ổn định cuộc sống và bắt đầu một khởi đầu mới…
Chiến dịch thông tin cảnh báo, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão Yagi (cơn bão số 3) hồi tháng 9 vừa qua của Đài Truyền hình Việt Nam được xem là chưa từng có tiền lệ, thể hiện sức mạnh tổng lực và tinh thần chủ động, dấn thân của VTV trong những hoàn cảnh đầy khó khăn của đất nước, nhân dân.
Thời điểm đó, trước thông tin dự báo về cơn bão số 3 có cấp độ mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, từ ngày 05/9 vừa qua, lãnh đạo Đài THVN đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời thông tin, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó từ sớm, từ xa, làm tốt và đều cả 3 giai đoạn trước - trong - sau bão. Để phát huy sức mạnh tổng lực, ngay lập tức phương án tổ chức tác nghiệp theo mô hình liên đơn vị đã được VTV thiết lập. Hơn 20 nhóm phóng viên từ các đơn vị của VTV đã tham gia tác nghiệp hiện trường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội… Trong đó có nhiều người tác nghiệp liên tục 9 - 10 ngày tại các "điểm nóng". Mỗi ngày có hàng trăm lượt nhân sự tham gia biên tập, xử lý, phát sóng các bản tin đặc biệt, các bản tin thời sự, chương trình tin tức trên các kênh truyền hình và đăng tải các tin bài trên Báo điện tử VTV Online, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo, hệ thống mạng xã hội của Đài THVN.
Trở về sau chuyến đi không thể quên trong đời làm báo, nhiều phóng viên vẫn không kìm được cảm xúc khi kể lại câu chuyện tác nghiệp của mình. Có người, đêm vẫn ngủ mơ giật mình tỉnh giấc… Tuy nhiên, ít người biết rằng, tất cả họ, từ những phóng viên trẻ gen Z tới những phóng viên kỳ cựu ngoài 50 tuổi, đều xung phong sẵn sàng lên đường tới các địa phương chịu ảnh hưởng bão lũ để cập nhật một cách nhanh nhất, chân thực nhất diễn biến của thiên tai để người dân có cách ứng phó kịp thời.
Trong 19 năm gắn bó với Đài THVN, phóng viên Tùng Thư (Ban Thời sự) dù đã từng tham gia đưa tin nhiều cơn bão nhưng Yagi là cơn bão khốc liệt nhất mà chị từng tác nghiệp. "Tôi còn nhớ cảm giác chỉ trong vòng 15 phút thôi, bão đã tăng một cấp gió, đủ thấy bão quét qua đảo Cô Tô như thế nào. Khi bão đi qua là một khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Những cánh rừng xơ xác chỉ trong vài tiếng đồng hồ" - Tùng Thư chia sẻ. Càng tích lũy nhiều kiến thức liên quan tới khí tượng, Tùng Thư càng khẳng định rằng phóng viên đưa tin trong thảm họa cần được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu để đưa tin tới khán giả chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. "Chúng ta không thể chống lại được thiên tai nhưng nếu biết cách ứng phó thì hậu quả sau đó khó có thể trở thành thảm họa" - chị chia sẻ.
Phóng viên Trường Sơn (Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số - VTV Digital) đã trải qua 9 ngày tác nghiệp liên tục trong tâm bão lũ (ngày 6/9 - 14/9) từ Quảng Ninh khi bão số 3 đổ bộ đến Lào Cai khi mưa lũ, sạt lở xảy ra.
Anh kể lại thời điểm cơn bão quét qua Quảng Ninh, anh và đồng nghiệp vẫn đang trên đường di chuyển nên đành táp vào khoảng giữa hai toà nhà để tránh trú. Chiếc xe ô tô nặng khoảng 3 tấn nhưng đuôi xe liên tục bị nhấc lên cao và đập mạnh xuống mặt đất khiến anh vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, trong 9 ngày đó, điều khiến anh không thể nào quên là hình ảnh đau thương tại Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. "Ekip chúng tôi đã lựa chọn phương án đi cùng đoàn của Quân khu 2 để đảm bảo an toàn. Những câu chuyện, hình ảnh đau thương tại hiện trường khiến tôi bây giờ vẫn còn ngủ mơ" – Trường Sơn chia sẻ.
Nếu như Trường Sơn xông pha ở hiện trường thì ekip phóng viên Hoài Thương (VTV Digital) nhận nhiệm vụ "bọc lót", có độ lùi khi tác nghiệp. Hành trình tới huyện Bát Xát, Lào Cai có thể coi là trải nghiệm lần đầu tiên trong đời cô trải qua. Con đường vốn chỉ đi ít phút nhưng nay, ekip của cô đã phải đi vòng qua 3 quả núi cùng những chiếc quan tài, xung quanh là những người dân vừa đi vừa khóc. "Điều đó thật sự ám ảnh" - cô tâm sự.
Khi tới Làng Nủ, huyện Bảo Yên, cảnh tượng trước mắt Hoài Thương là mọi thứ đã bị san bằng. Với bản năng của một người mẹ, cô luôn hướng đến trẻ em - đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong bão lũ, thiên tai. 22h, khi vào tới trường học để tác nghiệp, Hoài Thương vừa phỏng vấn, vừa khóc. "Hình ảnh những chiếc cốc có tên các em vẫn còn đó, chỉ có các em là không còn nữa. Các em cũng nhỏ như con tôi vậy" - cô chia sẻ. Phóng sự đó của Hoài Thương đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả cùng sự đồng cảm với người dân vùng lũ.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh - một địa phương thường xuyên phải đối mặt với bão lũ, Hoài Thương nói ký ức tuổi thơ của cô là hình ảnh gia đình chạy lũ, bố mẹ đứng trên mái nhà với những chiếc bao tải. Cũng vì thế mà những cảm xúc về thương đau trong bão lũ qua phóng sự của cô đã chạm tới được nhiều khán giả. Và cũng bởi vì thế, Hoài Thương đã xung phong được đi tác nghiệp tại Lào Cai lần này, dù gia đình, lãnh đạo đơn vị hay các đồng nghiệp không khỏi lo lắng. Hơn 1 tuần sau khi từ Lào Cai trở về, đến ngày 21-22/9, Hoài Thương trở lại Làng Nủ và Nậm Tông để thực hiện các phóng sự về khởi công dự án khu dân cư tại hai thôn chịu thiệt hại nặng nề này. Và trong lũ hay bây giờ là sau lũ, những phóng sự của cô vẫn tiếp tục khiến khán giả nghẹn ngào. Sự nghẹn ngào của niềm vui khi bà con nơi đây đã có nhà tạm để ở và sẽ có những ngôi nhà mới trong ít tháng nữa. Cùng với sự chung tay của đồng bào, bà con đã kiên cường đứng dậy để tạo lập cho mình một cuộc sống bình yên.
Với Hoài Thương hay những phóng viên VTV và các cơ quan báo chí khác tác nghiệp tại hiện trường, những cảm xúc về hình ảnh tang thương ở vùng lũ sẽ cần thời gian để họ có thể bình tâm trở lại. Ai cũng hy vọng thiên tai sẽ không xảy ra nữa nhưng nếu phải đi tác nghiệp ở những trường hợp đặc biệt như vậy, họ vẫn lựa chọn đi, lựa chọn dấn thân.
Trong số hơn 100 phóng viên, BTV, quay phim, kỹ thuật, lái xe… tác nghiệp hiện trường có những người đã ngoài 50 tuổi nhưng tinh thần xung phong và sự dẻo dai trong suốt quá trình tác nghiệp thì không thua kém bất cứ một ai. Phóng viên Lan Phương và quay phim Đình Trung (Ban Thời sự) là hai trong số đó. Sau 1-2 ngày trực cả ngày và đêm ở cơ quan để đón tin bài các phóng viên hiện trường gửi về, đến khi có thông báo đi Yên Bái, họ sẵn sàng xung phong lên đường.
Với thâm niên theo mảng môi trường, thiên tai, chị Lan Phương cho rằng những phóng viên lớn tuổi như chị có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn trong đợt tác nghiệp lần này. Cũng vì thế mà chị và ekip của mình đã bám Yên Bái từ khi lũ chưa lên đến sau lũ, với hàng loạt tin hiện trường và phóng sự lên sóng các bản tin.
"Tưởng chừng lịch trình như vậy sẽ mệt nhưng chúng tôi bị cuốn vào tác nghiệp, không hề thấy mệt. Ở hiện trường có rất nhiều đề tài. Chúng tôi cũng biết khán giả những ngày đó rất ngóng thông tin từ hiện trường nên chúng tôi cố gắng làm xong cái này, lại bắt tay ngay vào làm cái khác" - phóng viên Lan Phương chia sẻ. "Khi chứng kiến sự khó khăn của bà con, chứng kiến lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ đội và công an căng mình cùng bà con chống lũ lụt, tôi thấy mọi sự vất vả của mình không là gì cả" - anh Đình Trung tiếp lời.
Trong chuyến công tác này, quay phim Nguyễn Đình Trung không thể nào quên được lần tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở khiến hai anh em ruột 17,19 tuổi thiệt mạng. Hình ảnh người cha từ Huế ra, đau đớn chờ đợi lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể hai con, khiến anh Đình Trung - một người cha cũng có con ở độ tuổi đó - xót xa vô cùng. Hơn lúc nào, anh cảm nhận rõ nhất nỗi đau của thiên tai để lại với mỗi gia đình nạn nhân.
Là phóng viên mảng văn hóa nhưng khi được điều động trong chiến dịch tổng lực của VTV, Ngọc Sơn (Ban Thời sự) lập tức lên đường với tinh thần cao nhất. Chỉ 1 tiếng sau khi nhận điện thoại lãnh đạo phòng phân công, anh và ekip của mình đã có mặt đầy đủ ở cơ quan đi Lạng Sơn. "Ekip đi thẳng lên Tràng Định - điểm nóng của trận lụt tại Lạng Sơn. Khung cảnh tại đây vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi, khi mà nước lụt dâng lên quá cao, có nơi 7-8m, thậm chí có nơi hơn 10m" - Ngọc Sơn cho biết.
Ngọc Sơn và các đồng nghiệp đi cùng thuyền lực lượng chức năng vào điểm ngập sâu để cứu trợ. Vừa ghi hình làm tin bài, các anh vừa tham gia chuyển đồ ăn, nước uống cho người dân đang ngồi chênh vênh trên các mái nhà.
Nếu như chị Lan Phương, anh Đình Trung là những phóng viên giàu kinh nghiệm thì với Ngọc Sơn, đây là lần đầu tiên anh đi tác nghiệp bão lũ. Chính vì thế, anh nói mình phải cố gắng thật nhiều trong guồng quay chung. Bằng chứng là, ngày cao điểm cứ khoảng 2 tiếng, nhóm anh gửi 1 tin bài về. Có nhiều lúc vừa quay xong điểm này, trên xe di chuyển đến điểm ngập lụt khác, anh tranh thủ ngồi dựng bài. Tính toán thời gian thật hợp lý và nỗ lực hơn 200% khả năng để làm nhanh nhất có thể - đó là cách duy nhất để cả ekip hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều hình ảnh chân thực ở "điểm nóng" Lạng Sơn như: hình ảnh cụ già chui đầu qua nóc nhà để đón bắt đồ cứu trợ, hình ảnh người dân khóc nức nở khi cơn lũ qua đi, tài sản không còn gì… trong các phóng sự của ekip đã gây xúc động mạnh mẽ tới khán giả.
Những ngày cao điểm, trong đó có 05 ngày VTV1 lên sóng 1 tiếng 1 bản tin và 3 ngày phát sóng xuyên đêm với khối lượng thông tin khổng lồ lên tới hơn 600 tin, bài được các mũi phóng viên cập nhật, sản xuất và phát sóng trên các kênh. Tiếp đó, một loạt các chương trình đặc biệt dù chỉ có thời gian chuẩn bị 2-3 ngày như Hướng về đồng bào nơi bão lũ (VTV Digital), Điểm tựa Việt Nam (Ban SXCCTGT)… đã gây được tiếng vang, sức ảnh hưởng lớn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân khen ngợi, biểu dương. Ngày 21-22/9, UBND tỉnh Lào Cai và Đài THVN đã phối hợp khởi công xây dựng tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên và khu dân cư thôn Nậm Tông, huyện Bắc Hà. Toàn bộ kinh phí xây dựng do Quỹ Tấm lòng Việt của Đài THVN tài trợ. Công tác tuyên truyền sau thiên tai vẫn còn tiếp tục với nhiều chương trình ở nhiều thể loại. Những phóng viên VTV vẫn luôn sẵn sàng đi, sẵn sàng dấn thân, chưa bao giờ do dự.
Tổng Giám đốc Đài THVN Lê Ngọc Quang và Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cùng các đại biểu trao quà cho bà con thôn Nậm Tông bị thiệt hại cho thiên tai, ngày 22/9/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!