Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời tại Hà Nội có gì?

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ bảy, ngày 28/09/2024 08:51 GMT+7

VTV.vn - Điểm nhấn trong tuần lễ là tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả...

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.

Theo đó, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay diễn ra từ ngày mùng 1 đến 7/10 nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời. Đây là một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.

Điểm nhấn trong tuần lễ là tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng...

Cùng với đó, thành phố sẽ huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, tủ sách, sách cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng khó khăn; huy động cha mẹ học sinh tích cực tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh. Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa, giáo trình để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh, sinh viên đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời tại Hà Nội có gì? - Ảnh 1.

Các đại biểu gửi thông điệp của tuần lễ học tập suốt đời năm 2023. Ảnh: Báo SGGP

Ngoài ra, đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đến các trường học, đồn biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước