Sáng nay (4/8), tại Hội nghị giao ban của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Đà Nẵng, một số địa bàn của tỉnh Quảng Nam và các thí sinh diện F1, F2 sẽ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vào đợt 2. Các trường hợp còn lại được tổ chức thi theo kế hoạch. Trước đó, thông tin Bộ GD&ĐT chính thức quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt trong họp báo Chính phủ chiều 3/8 đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của dư luận.
Sĩ tử 2K2 thở phào vì được thi tốt nghiệp THPT
Trong cái nóng oi ả của nắng và gió Lào, năm học đã kết thúc từ lâu nhưng những lớp học cuối cấp ở trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An vẫn sáng đèn cho tới khuya tối. Lo học trò về bản xa mải nương rẫy, không lo được đèn sách, nhà trường đã xoay xở mọi cách để các em có điều kiện ôn tập tại trường. Không chỉ bố trí giáo viên kèm cặp, Ban giám hiệu còn tất tả ngược xuôi xin nguồn tài trợ cơm đủ ba bữa cho các em suốt tháng hè. Thương học trò ôn thi đúng lúc thời tiết miền Trung khắc nghiệt nhất, cô Hiệu trưởng đã vào tận TP.HCM xin đủ 6 điều hoà cả cũ, cả mới có để "hạ nhiệt" cho các trò trong một mùa thi nóng bỏng.
Lầu Ý Vỹ, cô học trò người Mông đến từ huyện Kì Sơn xa xôi, hào hứng chia sẻ: "Năm học gián đoạn đấy, nhưng chúng em không bị hổng kiến thức bởi suốt thời gian nghỉ phòng dịch, chúng em đều tham gia học trực tuyến đầy đủ. Em chờ đợi kì thi này lâu lắm rồi. Điểm thi này em xét vào đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội. Ở quê em chưa ai được đi Hà Nội học cả".
Khác với học sinh các thành phố lớn, nhiều em đã chọn xét học bạ vào các trường tư thục hay xét các chứng chỉ quốc tế vào các trường top trên thì các em học sinh dân tộc nội trú đa phần chọn xét tuyển Đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Em Lầu Ý Vỹ, học sinh trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An
Ước mơ của trò vì thế thành trách nhiệm của thầy cô. "Nhà trường không yêu cầu gì đâu. Hết năm học các thầy cô đặc biệt là giáo viên trong Đoàn Thanh niên nhà trường đều xung phong đăng ký hỗ trợ ôn tập cho học sinh,đến giờ tất cả đã sẵn sàng". Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An chia sẻ. Dồn hết tâm sức, trí tuệ cho kì thi này nên thầy và trò thở phào khi nghe tin chính thức về kỳ thi.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An
"Được thi rồi!" - đã có những tiếng hò reo, phương án chốt được đưa ra khiến cho nhiều thí sinh và phụ huynh như gỡ đi phần nào gánh nặng tâm lý và chú tâm hơn vào việc chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng chỉ còn đếm bằng ngày.
Em Lê Bá Ngọc Khánh, Trường THPT Quang Trung, Hà Nội thở phào: "Cả 1 năm qua của em chính là cả quá trình học tập và rèn luyện. Và sau khi học tập đủ lâu rồi thì em nghĩ đến lúc phải kết thúc đợt thi này để có thể nhẹ nhàng bản thân hơn".
Đỗ tốt nghiệp là một chuyện nhưng có kết quả để xét đại học mới là mục tiêu chính. Vậy nên, việc tiếp tục tổ chức thi đúng kế hoạch cũng là điều không chỉ thí sinh mà phụ huynh cũng mong mỏi. Bố của Khánh, anh Lê Bá Trần Phương – Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội như trút được gánh lo: "Con nhà tôi cháu đăng ký vào 3 trường thuộc top đầu. 3 trường này thì việc xét tuyển của họ dựa trên cơ sở điểm bài thi tốt nghiệp. Vậy nên kỳ thi Tốt nghiệp THPT này rất quan trọng, phải dự thi thì mới có điểm để xét tuyển đại học".
Cần thi tốt nghiệp THPT, không chỉ để đúng luật
Không chỉ mỗi học sinh, mỗi gia đình, mỗi nhà trường đã sẵn sàng với kì thi mà hầu hết địa phương ngoài vùng dịch đều đã hoàn tất các công tác chuẩn bị cho kì thi này, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm túc. So với tương quan chung của các tỉnh thành thì học sinh Nghệ An có lợi thế áp lực dịch không cao nên học nhanh hơn 5 tuần, hoàn thành chương trình sớm.
Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: "Đến giờ thì chúng tôi đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà tham gia chuẩn bị cho kì thi. Công tác tập dượt được áp dụng từ kì thi vào 10 vừa qua".
Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An
Luật Giáo dục năm 2019 có quy định việc thí sinh hoàn thành lớp 12 phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Áp dụng vào điều kiện thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc chốt phương án chia 2 đợt không chỉ đúng luật mà quan trọng hơn tạo hiệu ứng tích cực khi thời điểm kỳ thi chỉ còn tính bằng ngày.
PGS Nguyễn Mạnh Hà (Đại học Khoa học và Giáo dục) cho rằng: "Mọi thí sính bên cạnh sự háo hức thì còn lo lắng nếu thêm vào sự lo lắng không đáng có sẽ ảnh hưởng rất lớn. Các em luôn sẵn sàng nhưng chúng ta bàn lùi nên gây xáo trộn tâm lý. Quan trọng là làm sao chuẩn bị cho các em vừa thi tốt vừa chống dịch tốt".
Còn nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cũng đồng tình: "Phương án chia thí sinh theo đợt của Bộ GD&ĐT là hợp lý. Dù trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta vẫn phải cố gắng hết mức có thể để không làm xáo trộn tâm lý các em, nhất là chỉ còn 1 tuần nữa là diễn ra kỳ thi".
Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội
Căn cứ vào quy chế thi đã yêu cầu chi tiết về phòng dịch nên TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT càng ủng hộ việc các địa phương chưa có dịch hoặc dịch chưa đáng kể, thì vẫn nên tổ chức thi như bình thường: "Vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, thậm chí không thể lên kế hoạch hoãn bởi tháng 9, tháng 10, ai dám chắc dịch bệnh đã được đẩy lùi? Hơn nữa việc phân nhóm đối tượng dự thi đã bảo đảm quyền lợi của thí sinh, cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay".
Thầy trò trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An ôn tập nước rút
Với các trường đại học, thì phương án thi tốt nghiệp thành 2 đợt đã thực sự "gỡ rối" cho công tác tuyển sinh năm nay. Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bày tỏ quan điểm về vấn đề này: "Phải khẳng định rằng nếu huỷ kỳ thi, các trường đại học, đặc biệt là trường top trên xét tuyển chủ yếu dựa trên học bạ sẽ là một sự bất công lớn đối với những học sinh chăm ngoan học giỏi, nỗ lực ôn tập, nhiều em có thể bị "trượt oan". Bởi thực tế chấm điểm, đánh giá ở bậc phổ thông chưa kiểm soát được đúng chất lượng, không ít thầy cô "thương" học trò nên cho điểm cao, hiện tượng làm đẹp học bạ. Trong khi đó, không ít trường tốt lại khắt khe hơn trong chấm điểm".
Nhiều trường Đại học cho hay, việc chia kỳ thi tốt nghiệp thành 2 đợt là hợp lý và trường sẽ dành chỉ tiêu cho những em thi vào đợt 2. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án thi này, bởi việc chia theo đợt sẽ đảm bảo an toàn cho mọi thí sinh. Trong trường hợp phải thi 2 đợt hay thậm chí 3 đợt, chúng tôi sẽ phân chia chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể dựa trên số lượng thí sinh dự thi của từng đợt. Xong đợt nào, nhà trường sẽ xét tuyển đợt ấy. Điều này không có gì quá khó khăn, phức tạp".
Rõ ràng, việc chốt phương án chia 2 đợt cho thấy Bộ GD&ĐT đã lắng nghe dư luận để đưa ra phương án hợp lý. Học sinh không ngại khó, địa phương quyết tâm cao, đại học rộng cửa chào đón. Tất cả cùng chờ đợi tiếng trống trường thi rền vang trong một mùa thi đáng nhớ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!