Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc: Kế hoạch tuyển sinh đại học 2020 vẫn được đảm bảo

Theo TTXVN-Thứ bảy, ngày 28/03/2020 06:13 GMT+7

VTV.vn - Việc tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được.

Ngày 27/3, trước băn khoăn của phụ huynh, học sinh về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lịch Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vào ngày 8-11/8 ảnh hưởng đến lịch trình tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã giải đáp rõ hơn về công tác tuyển sinh năm 2020, cũng như hoạt động dạy - học của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Vẫn đảm bảo kế hoạch tuyển sinh

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trong điều kiện Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia diễn ra muộn hơn, các mốc thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng cũng sẽ bị lùi lại, tuy nhiên, kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước, vào ngày 31/12/2020.

Bởi các năm trước, mặc dù kế hoạch tuyển sinh của hầu hết các trường bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết năm, nhưng thực tế, các trường kết thúc tuyển sinh vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời gian sau đó, đa số các trường ngừng tuyển sinh vì không phù hợp với kế hoạch năm học và hầu như hết nguồn tuyển.

Như vậy, việc tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Với quyền tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Căn cứ vào kết quả tuyển sinh đợt 1 và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020.

Đối với trường không xét tuyển từ kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, việc tuyển sinh sẽ chủ động và linh hoạt hơn. Theo Quy chế tuyển sinh, các trường xác định và công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh của từng trường để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký.

Các trường đại học chủ động xây dựng kế hoạch học tập

Trao đổi về hoạt động dạy và học tại các trường đại học trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Thời gian qua, để ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ sở giáo dục đại học đã chuyển dần từ thế bị động sang chủ động, có kế hoạch học tập trong điều kiện phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo an toàn cho người học, cho cán bộ, giảng viên.

Trong toàn hệ thống giáo dục đại học hiện có 84 đơn vị đã, đang tổ chức học tập trung, 92 đơn vị dạy, học trực tuyến, các trường còn lại cũng tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc luân phiên kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (lý thuyết) với học tập trung (thực hành, thí nghiệm) để đảm bảo chương trình và giảm lượng học tập trung.

Luật Giáo dục Đại học cho phép các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tổ chức, quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khoá học…

Trong quỹ thời gian hàng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ học tuỳ theo từng trường và có khoảng 5-6 tuần nghỉ hè. Với quỹ thời gian cho phép đó và thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ, các trường chỉ cần điều chỉnh lịch học để tháng 8 có đủ lực lượng tham gia tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Các trường sẽ điều chỉnh việc kết thúc kỳ học, năm học theo điều kiện thực tế và theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì các trường có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021.

Ngày 13/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành công văn 795/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn về việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để các trường triển khai thực hiện, lựa chọn các công cụ hỗ trợ, các nội dung, các học phần phù hợp để dạy học trực tuyến, đảm bảo chất lượng đào tạo trên cơ sở yêu cầu của chương trình đào tạo và điều kiện của từng trường.

Ngày 23/3, Bộ tiếp tục có công văn 988/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn các trường chủ động, nhanh chóng triển khai đào tạo trực tuyến nói riêng và các hình thức đào tạo từ xa nói chung để rút ngắn thời gian học tập trung ở cơ sở đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng chương trình, kế hoạch đào tạo.

Để công nhận kết quả tích luỹ các học phần dạy học trực tuyến trong việc đào tạo chính quy, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường chỉ tổ chức đánh giá kết thúc học phần khi đã thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần. Việc công nhận kết quả tích lũy chỉ được thực hiện khi nhà trường đảm bảo chuẩn đầu ra của từng học phần.

Đóng góp hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19

Để cùng cả nước ứng phó với tình hình dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi, hỗ trợ và trực tiếp tham gia công tác huy động, trưng dụng ký túc xá của các cơ sở giáo dục đại học để làm khu cách ly tập trung.

Tính đến ngày 26/3, có 28 cơ sở với gần 53.000 chỗ ở đã sẵn sàng để UBND các tỉnh, thành phố trưng dụng làm khu cách ly (hiện các cơ sở ở khu vực Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh đã được trưng dụng).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết: Các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực phát huy tinh thần chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học và cử cán bộ, sinh viên trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, các trường khối y, dược đã tích cực sản xuất nước sát khuẩn, cung cấp kiến thức, tài liệu phòng chống dịch; huy động cán bộ giảng viên, sinh viên sẵn sàng tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch khi cần. Đó là các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Cần Thơ...

Các giảng viên, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai hoạt động nghiên cứu và đạt những kết quả đáng khích lệ như: trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Học viện Quân y, Đại học Đà Nẵng…

Đặc biệt, bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y phát triển đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, được coi là công cụ quan trọng, cần thiết để góp phần kiểm soát bệnh dịch do SARS-CoV-2 ở Việt Nam. Ngoài ra, Học viện Quân y cũng tham gia hỗ trợ các trường diễn tập ứng phó phòng dịch.

Mới đây, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã chế tạo và chạy thử nghiệm thành công, kịp thời chuyển giao ứng dụng robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm cho khu cách ly phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những đóng góp của toàn hệ thống giáo dục đại học và sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên các nhóm nghiên cứu, các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số ngành giáo dục Biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số ngành giáo dục

VTV.vn - Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành GD&ĐT trong phòng chống COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước