Đại học tự chủ cao, tuyển sinh và đào tạo không bị ảnh hưởng
Thưa Thứ trưởng, theo khung kế hoạch năm học được Bộ GDĐT điều chỉnh lần 2, kỳ thi THPT QG sẽ diễn ra từ 8-11/8/2020. Liệu kế hoạch này có ảnh hưởng đến lịch trình tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc: Trong điều kiện kỳ thi THPT quốc gia diễn ra muộn hơn thì các mốc thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng cũng sẽ lùi "tịnh tiến", nhưng kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước, vào ngày 31/12/2020.
Bởi các năm trước, mặc dù kế hoạch tuyển sinh của hầu hết các trường bắt đầu cuối tháng 7 đến hết năm, nhưng thực tế các trường kết thúc tuyển sinh vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời gian sau đó, đa số ngừng tuyển sinh vì không phù hợp với kế hoạch năm học và hầu như hết nguồn tuyển.
Như vậy, tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được.
Về quy định, Bộ GDĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Với quyền tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Căn cứ vào kết quả tuyển sinh đợt 1 và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020.
Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh sẽ chủ động và linh hoạt hơn. Theo Quy chế tuyển sinh, các trường xác định và công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh của từng trường để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký.
Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, hoạt động dạy và học trong các cơ sở GDĐH đã diễn ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc: Thời gian qua, để ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ sở GDĐH đã chuyển dần từ thế bị động sang chủ động có kế hoạch học tập trong điều kiện phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo an toàn cho người học, cho cán bộ, giảng viên.
Toàn hệ thống hiện có 84 cơ sở GDĐH đã và đang tổ chức học tập trung, 92 cơ sở dạy, học trực tuyến, các trường còn lại cũng tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc luân phiên kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (lý thuyết) với học tập trung (thực hành, thí nghiệm) để đảm bảo chương trình và giảm lượng học tập trung.
Về quy định, Luật Giáo dục Đại học cho phép các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khóa học…
Trong quỹ thời gian hàng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ học tùy theo từng trường và có khoảng 5-6 tuần nghỉ hè. Với quỹ thời gian cho phép đó và thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ, các trường chỉ cần điều chỉnh lịch học để tháng 8 có đủ lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Việc kết thúc kỳ học, năm học, các trường sẽ điều chỉnh theo điều kiện thực tế và theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, các trường có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021.
Bộ GDĐT đã có những giải pháp gì để đảm bảo chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học khi áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa trong thời gian vừa qua?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc: Ngày 13/3/2020, Bộ GDĐT đã ban hành công văn 795/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn về việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để các trường triển khai thực hiện, lựa chọn các công cụ hỗ trợ, các nội dung, các học phần phù hợp để dạy học trực tuyến, đảm bảo chất lượng đào tạo trên cơ sở yêu cầu của chương trình đào tạo và điều kiện của từng trường.
Ngày 23/3/2020, Bộ GDĐT tiếp tục có công văn 988/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn các trường chủ động, nhanh chóng triển khai đào tạo trực tuyến nói riêng và các hình thức đào tạo từ xa nói chung để rút ngắn thời gian học tập trung ở cơ sở đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng chương trình và kế hoạch đào tạo.
Để công nhận kết quả tích lũy các học phần dạy học trực tuyến trong đào tạo chính quy, Bộ GDĐT yêu cầu các trường chỉ tổ chức đánh giá kết thúc học phần khi đã thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần. Đồng thời, việc công nhận kết quả tích lũy chỉ được thực hiện khi nhà trường đảm bảo chuẩn đầu ra của từng học phần.
Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập tích luỹ, quản lý và lưu trữ các thông tin liên quan đến các học phần tổ chức đào tạo trực tuyến… nhằm phục vụ công tác kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra. Như vậy, kế hoạch dạy học trực tuyến mới đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ khuyến nghị các trường đã tổ chức tốt chia sẻ học liệu, phương thức triển khai, quản lý hệ thống, yêu cầu các trường chưa có điều kiện triển khai tốt hợp tác với những trường đào tạo cùng ngành, có hệ thống LMS, LCMS tốt, có đầy đủ học liệu và hệ thống mô phỏng thí nghiệm, thực hành… để phối hợp triển khai tổ chức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa cho sinh viên trong thời gian không học tập trung để thực hiện kế hoạch năm học.
Giáo dục đại học đóng góp hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19
Vừa qua, Bộ GDĐT kêu gọi các cơ sở GDĐH sẵn sàng trưng dụng ký túc xá làm khu cách ly tập trung. Công tác này đã diễn ra như thế nào và kết quả ra sao?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc: Để cùng cả nước ứng phó với tình hình dịch bệnh, Bộ GDĐT đã kêu gọi, hỗ trợ và trực tiếp tham gia công tác huy động, trưng dụng ký túc xá (KTX) của các cơ sở giáo dục đại học để làm khu cách ly tập trung.
Ngày 20/3/2020, Bộ GDĐT gửi công văn yêu cầu các trường chưa tổ chức học tập trung phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương để trưng dụng KTX của trường làm nơi cách ly của địa phương trong trường hợp cần thiết.
Ngay ngày đầu tiên huy động, đã có 19 trường đăng ký sẵn sàng chuẩn bị cho việc trưng dụng KTX làm khu cách ly, ước tính khoảng 42 ngàn chỗ. Trong đó, 9 trường có quy mô lớn và điều kiện phù hợp đã được khảo sát với khoảng 8 ngàn chỗ để sử dụng ngay.
Tính đến ngày 26/3, có 28 cơ sở với gần 53 nghìn chỗ ở đã sẵn sàng chuẩn bị để UBND các tỉnh thành phố trưng dụng làm khu cách ly (hiện các cơ sở ở khu vực Hà nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và TPHCM đã được trưng dụng). Đã có 15 khu ký túc xá với hơn 20 nghìn chỗ của các cơ sở đã được UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra và có kế hoạch sử dụng làm cơ sở cách ly trong các ngày qua.
Với lợi thế về cơ sở vật chất và tinh thần chủ động cao, được biết các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực trực tiếp và gián tiếp tham gia vào phòng, chống COVID-19. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những hoạt động này?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc: Cùng với việc sẵn sàng trưng dụng KTX, các cơ sở giáo dục đại học còn tích cực phát huy tinh thần chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học và cử cán bộ, sinh viên trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn, các trường khối Y Dược đã tích cực sản xuất nước sát khuẩn, cung cấp kiến thức, tài liệu phòng chống dịch; huy động cán bộ giảng viên, sinh viên sẵn sàng tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch khi cần, như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y tế Công cộng, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược Huế, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ,...
Các giảng viên, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai hoạt động nghiên cứu và đạt những kết quả đáng khích lệ như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, Học viện Quân y, ĐH Đà Nẵng,…
Đặc biệt, Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y phát triển đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, được coi là công cụ quan trọng và cần thiết để góp phần kiểm soát bệnh dịch do SARS-CoV-2 ở Việt Nam. Ngoài ra, Học viện Quân y cũng tham gia hỗ trợ các trường diễn tập ứng phó phòng dịch.
Những ngày qua, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) lần lượt ra mắt các thiết bị, giải pháp giúp hạn chế lây lan, phòng chống dịch COVID-19. Đó là buồng khử khuẩn toàn thân di động, sử dụng công nghệ phun sương với hệ thống phun siêu âm 360, không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn thân dễ dàng (ĐHQG TP HCM) và thiết bị đo thân nhiệt từ xa (ĐH Đà Nẵng).
Mới đây, sau khi chế tạo và chạy thử nghiệm thành công, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã kịp thời chuyển giao ứng dụng Robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm cho khu cách ly phòng chống COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Bộ GDĐT đánh giá rất cao những đóng góp của của toàn hệ thống GDĐH và sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên các nhóm nghiên cứu, các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19
Có thể nói, trong mọi điều kiện thuận lợi hay khó khăn, các cơ sở GDĐH đã vững vàng tinh thần chủ động, tiên phong, quyết liệt và phát huy tối đa mọi nguồn lực để chung tay với nhiệm vụ lớn của quốc gia. Tôi mong rằng, tinh thần này sẽ được lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống giáo dục đại học, đóng góp hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!