Nhiều hoạt động tri ân các thầy cô giáo
Hôm nay (20/11) là ngày mà ai ai cũng nhớ tới - Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11 không chỉ để chúc mừng, mà ngày này hơn hết là để xã hội ghi nhận những đóng góp không thể thay thế của các thầy cô giáo cho sự hình thành tri thức, nhân cách của một con người. Trên cả nước có hơn 1,6 triệu giáo viên và dấu chân của họ đang in khắp các nẻo đường để cống hiến. Họ thực sự là những người giáo viên nhân dân.
Hôm nay, tại trường THCS Giảng Võ, những tiết mục văn nghệ đã được các giáo viên và học sinh của trường cùng nhau lên ý tưởng và cùng biểu diễn. Ngày lễ kỷ niệm không chỉ nhằm tôn vinh những người thầy, mà còn là dịp gắn kết hơn nữa tình cảm thầy trò. Không chỉ giữa những học sinh hôm nay, mà còn là nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ mái trường này.
Xuyên suốt tuần lễ này, nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi được các nhà trường tổ chức. Bởi đây cũng là dịp để những người thầy cùng nhìn lại chặng đường đã qua.
Mỗi thầy giáo, cô giáo dù giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề.
Vì hoàn cảnh khác nhau mà không phải trò nào cũng có thể gửi lời chúc hay đến thăm thầy cô mình dịp 20/11. Vì vậy, cuộc gặp gỡ của anh Lê Chí Hiếu (Hà Nội) với cô giáo năm nay đã 80 của mình thật quý. Anh Hiếu còn dẫn cả hai con mình đi thăm cô giáo cũ.
Tận tâm với nghề giáo
Nghề giáo vốn được xem là công việc cao quý nhất, bởi đó là công việc dạy tri thức và nuôi dưỡng đạo đức tốt đẹp cho một con người. Không khó để chúng ta bắt gặp trên cả nước hình ảnh những người thầy, người cô luôn tận tâm với nghề.
Giờ giải lao, nhưng có những học sinh quên hết mọi thứ, chỉ biết có game trên điện thoại. Thầy giáo sẽ bắt phạt các em chăng? Ngược lại, thầy Lý Thường Kiệt (Trường THPT Hòa Tú, Trà Vinh) đã thân tình trò chuyện. Với cách này, nhiều học sinh đã bớt chơi game.
Thầy Kiệt dạy môn Giáo dục công dân. Để bài dạy không chỉ lý thuyết suông, thầy luôn tìm tư liệu minh họa. Học sinh nhờ vậy vừa có kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và văn hóa ứng xử.
Nhưng giờ học xong, không có nghĩa trách nhiệm người thầy đã hết. Thầy Kiệt biết nhiều học trò của mình khó khăn. Nhà em Triện (xã Hòa Tú 1, Mỹ Xuyên, Trà Vinh) có bố bỏ đi từ lâu, mẹ đã mất. Em nương tựa vào bà ngoại. Thầy Kiệt đã đến thăm và báo tin mừng là thầy đã xin được một phần hỗ trợ cho em. Hàng chục học trò Kiệt đã không vì hoàn cảnh mà bỏ học.
Nhà thầy Kiệt cách trường 30km. Thầy nói vui, tiền xăng xe đi lại hàng ngày cũng gần hết lương. Luôn trở về nhà khi trời đã tối, thầy vẫn tranh thủ lấy cỏ cho bò để đỡ đần cha mẹ già. 4h sáng mai, thầy lại giúp gia đình chở rau ra chợ bán.
Vừa là giáo viên, vừa là Bí thư đoàn trường, thầy Kiệt nhận nhiều giấy khen, bằng khen cho 13 năm công tác đầy trách nhiệm.
Nỗ lực vì công cuộc cải cách giáo dục chưa từng có
Thời điểm này, ngành giáo dục đang bước vào công cuộc cải cách chưa từng có. Khó khăn về đổi mới chương trình trong điều kiện có nơi chưa đảm bảo cơ sở vật chất, đời sống nhà giáo còn nhiều trăn trở và những đòi hỏi, giám sát của xã hội ngày một cao. Dù vậy, các thầy cô với một chữ "tâm" đã nỗ lực vì sứ mệnh lớn lao của mình.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú, TP Hà Nội, học sinh được thí nghiệm đo tần số âm thanh. Bình thường sẽ phải cần những thiết bị cả chục triệu. Nhưng ở đây, học sinh được hướng dẫn đổ nước tăng dần vào những cái bát giống hệt nhau. Các em sử dụng phần mềm miễn phí trên điện thoại để tìm tần số tương ứng với những nốt nhạc.
Thầy Trần Văn Huy (Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường THPT Phan Huy Chú, TP Hà Nội) đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới với quyết tâm vượt khó. Thiếu thiết bị thì tìm cách thay thế. Chưa có kinh nghiệm thì thầy kết nối với cộng đồng dạy học trên thế giới để có những giờ học hay.
Với thầy Nguyễn Như Ý (Trường Tiểu học Tân Mỹ B, xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long), một giáo viên dạy tin học, thầy luôn mong muốn học sinh ở vùng khó khăn của mình cũng có thể theo kịp sự phát triển của công nghệ. Thầy tìm nhiều cách để có bài học thực tế cho các em.
Cả nước hiện có gần 1,7 triệu giáo viên. Họ đang trực tiếp dạy dỗ hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Gánh vác sứ mệnh lớn lao là đào tạo nên những chủ nhân tài năng cho đất nước, song giáo viên ở một số nơi còn chưa có môi trường giáo dục thuận lợi, thu nhập chưa đủ sống trong khi áp lực từ phụ huynh, xã hội ngày một lớn.
Nhưng với những người thầy chân chính, áp lực lớn nhất là vượt qua được chính mình để sáng tạo hơn, tận tâm hơn với sự nghiệp trồng người.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam tôi cũng muốn gửi đến tất cả các thầy cô giáo của ngành sự ghi nhận, sự biểu dương, sự cảm ơn; đồng thời mong muốn tất cả đã cố gắng thì ở thời điểm đổi mới này càng cố gắng hơn, đã nỗ lực thì càng nỗ lực hơn để hoàn thành thật tốt trách nhiệm và sứ mệnh Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó".
Ngày mai (21/11), những tiết học mới lại bắt đầu. Bằng tình yêu và trách nhiệm của người thầy, người cô, sẽ có những bài học mới đầy niềm vui và kiến thức, sẽ có những con người mới phục vụ đất nước từ mái trường hôm nay.
Bất cứ thời điểm nào, bất cứ quốc gia nào thì giáo dục cũng luôn được coi trọng và những người thầy là nhân tố không thể thiếu. Hi vọng những chính sách cho nhà giáo tiếp tục được cải thiện để các thầy cô yên tâm đứng trên bục giảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!