Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới

Hoài Thương, Gia Long, Dương Dũng-Thứ hai, ngày 20/11/2023 12:44 GMT+7

VTV.vn - Thay đổi và sáng tạo trở thành yếu tố thích nghi mà bất cứ thầy cô nào cũng hướng tới để đào tạo ra thế hệ học trò tự chủ tiếp nhận kiến thức.

Những người "chở" chữ qua sông

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, trong mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng chung một cảm xúc, một niềm xốn xang về kỷ niệm những ngày đi học dưới mái trường thân yêu với sự dìu dắt của thầy cô giáo đáng kính. Tri ân thầy cô vì thế cũng đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nếu trước đây, nhiều người vẫn nghĩ nghề giáo nhàn hạ ngày vài tiết đến trường thì nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các thầy cô lại phải là người đi trước nghiên cứu, đi trước tìm hiểu để có đủ kiến thức giảng dạy cho học sinh. Họ là người thích nghi đầu tiên với bất kỳ một thay đổi nào của chính sách giáo dục. Chưa kể, vốn dĩ sự thích nghi ấy còn thể hiện qua cách các thầy các cô vượt khó mỗi ngày để đi dạy như những thầy cô giáo đang công tác ở các trường học trên xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 1.
Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 2.

Minh Châu là xã duy nhất của TP Hà Nội nằm ở bãi giữa Sông Hồng - nơi hội tụ của 3 dòng sông: sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Hàng ngày, các thầy cô vẫn lặng lẽ vượt sông, vượt đò mang con chữ đến cho những học sinh ở vùng đất còn bộn bề gian khó.

Những chuyến phà nhỏ chở cô Hiền di chuyển sang bờ sông bên kia để dạy học. Đều đặn hàng ngày, cô giáo Ba Vì đã gắn bó nhiều năm với mảnh đất phù sa, từ những ngày trường lớp còn khó khăn.

Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 3.

Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Hà Nội. Hiện có gần 1.300 học sinh từ cấp mầm non tới THCS đang theo học. Việc đi lại khó khăn khiến nhiều giáo viên chỉ gắn bó vài ba năm rồi chuyển công tác. Hiện tại, có gần 100 giáo viên ba cấp học ngày ngày vẫn đi dạy từ bên này qua bên kia sông. Còn những người bám trụ lâu năm nhất phải kể đến chính là những người con của quê hương Minh Châu.

Niềm vui được nhân lên khi trường lớp những năm qua đã được đầu tư khang trang hơn trước, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.

Giáo viên mong chờ cải cách tiền lương từ năm 2024

Dự kiến sau cuộc cải cách tiền lương năm 2024, lương nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Đây là tin vui với hàng triệu thầy cô trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay. Sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ năm sau, trong các năm tiếp theo, dự kiến mỗi năm, giáo viên sẽ được tăng thêm từ 5 - 7%. Hy vọng với đợt cải cách này, phần lớn giáo viên sẽ sống được bằng lương, tạo động lực lớn để mọi giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, nhảy việc, cũng là cơ hội nâng tầm vị thế nhà giáo, nâng tầm vị thế ngành sư phạm trong thời gian tới.

Đội ngũ nhà giáo cần điều chỉnh, thích nghi với đổi mới

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Chia sẻ với Chuyển động 24h nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục & Đào tạo đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.

Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Báo Điện tử ĐCSVN)

"Trước đây nhà giáo là người thiên về truyền thụ kiến thức. Với yêu cầu mới, nhà giáo có điều chỉnh vai trò, chuyển sang người tổ chức, dẫn dắt học sinh. Như vậy hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá đều có yêu cầu mới. Tôi lấy ví dụ như dạy học tích hợp liên môn là việc mới. Mà chúng ta làm cái mới từ những con người cũ với thói quen cũ, khả năng cũ. Giờ đây mọi người phải điều chỉnh. Những người hăng hái, tìm hiểu rèn luyện thì họ thích ứng tốt. Có những người thích nghi chậm hơn thì đặt ra vấn đề hỗ trợ để tất cả cùng đồng hành. Chúng tôi hy vọng một vài năm nữa, kết thúc chu trình đổi mới bước đầu thì chúng ta có bức tranh đầy đủ hơn về các kết quả" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát chính sách cho nhà giáo như phụ cấp ưu đãi, lương cho nhà giáo đảm bảo mức sống tối thiểu để có thể yên tâm với nghề. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng ghi nhận, biểu dương nhà giáo kịp thời, nhất là người hy sinh cho sự nghiệp giáo dục.

Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu

Chiều 19/11, 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trong cả nước đã được tuyên dương tôn vinh vì có nhiều đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. 200 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến từ các trường phổ thông và đại học, cao đẳng trong cả nước. Dù mỗi người giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề.

Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho giáo viên mầm non (Ảnh: Báo Điện tử ĐCSVN)

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, mỗi nhà giáo được tuyên dương ngày hôm nay là tấm gương tiêu biểu, được lựa chọn trong số hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước. Đây là các thầy cô giáo ở những miền xa xôi của Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy, có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua. Các thầy, cô đã mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Giáo viên đổi mới bài giảng, thấu hiểu học sinh

Ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản, toàn diện, xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ Mầm non tới Đại học. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình. Tất cả những nỗ lực của giáo viên sẽ được nhìn thấy rõ nhất thông qua những bài giảng sáng tạo trên lớp học.

Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 6.

Tiết học môn Địa lý lớp 11 của cô giáo Uyên ở Hưng Yên được bắt đầu bằng một trò chơi tiếp sức. Sau đó, học sinh chia thành các nhóm thuyết trình với chủ đề khác nhau. Mỗi học sinh được tập sự đóng vai trò như một giáo viên, chia sẻ kiến thức đã tìm hiểu trước về bài học. Cô giáo Uyên trao quyền chủ động hoàn toàn cho học sinh, thoát ra khỏi lối mòn trong giảng dạy. Với sự dẫn dắt của giáo viên, tiết học trở nên sinh động và thú vị.

Tại Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình, TP Hà Nội), môn học mới theo chương trình mới nên cách tiếp cận của giáo viên cũng phải khác. Cô giáo lên ý tưởng lựa chọn nhân vật hoạt hình gần gũi để nói về thông điệp tiết học "suy nghĩ tích cực", cho các em đóng vai các tình huống để tự đưa ra cách giải quyết vấn đề.

Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 7.
Thầy cô nỗ lực thích nghi và đổi mới - Ảnh 8.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự trau dồi thêm kiến thức. Để sáng tạo trong dạy học, giáo viên phải là người được quyền quyết định việc lựa chọn phương pháp giảng dạy của chính mình.

"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"

"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" - lời Bác Hồ vẫn luôn sâu sắc, là một triết lý đúng đắn về vai trò của giáo dục và vai trò của người thầy đối với sự nghiệp trồng người. Thầy cô giáo thời kỳ đổi mới chịu áp lực từ sự đòi hỏi phải tự nâng cấp bản thân, áp lực nảy sinh từ những kỳ vọng lớn của phụ huynh, học sinh và xã hội... Nhưng chính những thức thách đó đã tạo ra sức bật cho thầy cô và tạo nên sức sống mới cho mỗi bài giảng.

Như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định, nhìn nhận theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, tích lũy kiến thức, kỹ năng mới tiến bộ hơn để trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò. Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Nếu chúng ta chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân mình, giáo dục vẫn chỉ là một nền giáo dục vượt khó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước