Tăng tự chủ thật sự cho trường đại học và phát triển đại học tư thục

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 06/11/2018 20:27 GMT+7

VTV.vn - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đây là 2 nội dung lớn của việc chỉnh sửa Luật Giáo dục đại học.

Sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDDH).

Sau khi lắng nghe 23 đại biểu phát biểu trên tổng số 46 đại biểu đăng ký trong sáng 6/11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trao đổi một số ý kiến được nhiều đại biểu đề cập tới.

Theo ông Phan Thanh Bình, dự thảo lần này có hai nội dung lớn: "Thứ nhất là, làm sao để chúng ta tăng tự chủ thật sự cho trường đại học. Trong thời gian vừa qua, ngay cả Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã đặt ra vấn đề tự chủ đại học. Nhưng quả thật, chúng ta chưa triển khai được. Từ trình tự, chúng ta đi từ thí điểm nhỏ cho đến lúc chúng ta có hơn 20 trường làm thí điểm, đến nay cũng đã có được một số kết quả tốt. Vì vậy, bây giờ ta tạo điều kiện hành lang lớn hơn về pháp lý để phát triển. Đó là nội dung thứ nhất và hết sức quan trọng.

Thứ hai là, làm sao chúng ta có điều kiện để phát triển các trường đại học tư thục, một mặt bổ sung cho năng lực giáo dục đại học đồng thời sẽ tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học công lập phát triển".

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, về quan điểm, từ Ban soạn thảo đến thẩm tra đều thống nhất, trong quá trình soạn lần này tôn trọng quy luật phát triển và thông lệ quốc tế trong xây dựng và đảm bảo chất lượng của hệ thống giáo dục đại học.

Trao đổi ý kiến với một số đại biểu nói rằng giáo dục đại học là giáo dục sau trung học phổ thông đã đúng chưa và có đầy đủ không? Có chồng lấn không? Ông Phan Thanh Bình khẳng định, ở đây xác định rõ theo quy định của thế giới thì giáo dục đại học là giáo dục sau trung học phổ thông. Tuy nhiên, luật này quy định chỉ điều chỉnh giáo dục đại học và sau đại học, không điều chỉnh các cấp bậc khác. Giáo dục cao đẳng nằm ở Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhưng quy định rõ là luật này chỉ điều chỉnh giáo dục đại học và giáo dục sau đại học.

Về vấn đề tự chủ, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh, đặt ra 3 tự chủ đối với các trường đó là chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính, tài sản.

Tăng tự chủ thật sự cho trường đại học và phát triển đại học tư thục - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Quochoi.vn

"Về trách nhiệm cơ chế quản trị thì các đại biểu nói nhiều về Hội đồng trường và hiệu trưởng, đây cũng có sự thay đổi lớn, trong thời gian vừa qua khi hiệu trưởng có vai trò rất quyết định. Hội đồng trường cũng có vai trò quan trọng, trong vấn đề về tổ chức thì quyết định luôn cả cơ cấu, cơ chế hoạt động, Hiệu trưởng là người điều hành cụ thể và gắn bó với Hội đồng trường.

Vấn đề kiểm định xếp hạng cần nhấn mạnh để chúng ta coi là công cụ để đánh giá, bên cạnh đó là quản lý nhà nước. Về chính sách xã hội nhiều đồng chí đặt ra, thực sự khi đặt ra vấn đề cạnh tranh thì các trường đều muốn có sinh viên giỏi về mình, muốn vậy trường phải đặt ra vấn đề học bổng đó là điều tất yếu trong quá trình cạnh tranh. Chúng tôi sẽ cân nhắc chỗ này", ông Phan Thanh Bình nói.

"Về mô hình, hiện nay trong luật quy định 2 mô hình: Trường đại học và nhóm trường hay tổ hợp trường đại học. Hai mô hình này đều tồn tại trên thế giới và các đồng chí tìm hiểu sâu sẽ thấy có hai mô hình này, nhiều trường lớn cũng nằm trong hệ thống. Vấn đề đặt ra là cơ chế quản lý của chúng ta như thế nào. Thời gian qua, chúng ta đặt ra mô hình nhưng cơ chế chưa rõ thì lần này phải tính toán lại quản lý như thế nào.

Luật kỳ này công nhận 2 vấn đề, đại học có thể có trường thành viên mà cũng có thể là những trường đơn giản, chưa phải trường thành viên. Do đó, các trường có thể thành lập các trường con để trở thành đại học hoặc sáp nhập các trường lại. Đây cũng là mô hình rất cần thiết để chúng ta sáp nhập các trường nhỏ kết hợp với nhau để thành một trường lớn", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình kết lại.

Tự chủ Đại học – vấn đề trọng tâm của sửa đổi luật Tự chủ Đại học – vấn đề trọng tâm của sửa đổi luật Nới rộng quyền tự chủ và trách nhiệm trong giáo dục đại học Nới rộng quyền tự chủ và trách nhiệm trong giáo dục đại học Tự chủ tuyển sinh đại học: Luật cho phép, trường nói không? Tự chủ tuyển sinh đại học: Luật cho phép, trường nói không?


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước