Mô hình trường học mới phát huy tính chủ động, tự tin cho học sinh vùng cao Hòa Bình

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 23/10/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Năm học 2017 - 2018, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 146 trong tổng số 352 trường thực hiện mô hình VNEN (cấp Tiểu học có 120 trường, cấp Trung học cơ sở có 26 trường).

Hòa Bình là một trong những tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Đến năm học 2017 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 146 trong tổng số 352 trường thực hiện mô hình VNEN (cấp Tiểu học có 120 trường, cấp Trung học cơ sở có 26 trường).

Huyện Đà Bắc thực hiện mô hình VNEN từ năm học 2012 đến nay ở 10 trường, trong đó có 8 trường Tiểu học và 2 trường Trung học cơ sở. Ông Nguyễn Hữu An, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc cho biết VNEN là chương trình dạy học mới nên ngay từ đầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc đặc biệt chú trọng việc tập huấn cho giáo viên, quán triệt kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của ngành về mô hình trường học mới. Từ đó, các trường tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, thiết thực và hiệu quả. Phòng cũng hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trên cơ sở rà soát lại các điều kiện bảo đảm.

Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Triệu Phúc Lịch, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc - cô giáo Đoàn Thị Tươi - bày tỏ mô hình VNEN đã tạo được điểm nhấn là sự hứng thú cho học sinh trong học tập. Về cơ bản, mô hình phát huy được tính chủ động, khả năng tự học của học sinh. Bên cạnh đó, mô hình cũng phát huy tốt các kỹ năng tương tác, tự đánh giá lẫn nhau khiến học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Chất lượng giáo dục ở các lớp VNEN đảm bảo hơn các lớp học chương trình hiện hành.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Triệu Phúc Lịch, xã Toàn Sơn - cô Nguyễn Thị Phượng - chia sẻ: "Khi mới giảng dạy chương trình VNEN cũng có nhiều khó khăn. Qua quá trình được nghiên cứu, tập huấn, chúng tôi đã nắm bắt được chương trình dạy học mới. Chương trình VNEN rất tốt cho học sinh trong các hoạt động tại trường, các em vừa được học vừa vui chơi, trải nghiệm, cùng nhau chia sẻ kiến thức, hiểu biết. Quá trình học giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn, phát huy được năng lực, năng khiếu, tự khám phá những kiến thức mới, nắm vững kiến thức theo từng cấp bậc".

Em Quách Xuân Mai, học sinh lớp 4A, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Triệu Phúc Lịch, thích thú với chương trình học tập mới. Theo em Mai, học chương trình này em hiểu rõ về các bài tập, kiến thức tại trường. Trên lớp, em và các bạn tự tin cùng nhau trao đổi các bài học khó.

Bên cạnh những thuận lợi, tích cực, mô hình VNEN được triển khai tại huyện Đà Bắc cũng có những khó khăn nhất định. Đó là phòng học hẹp, không đủ chỗ cho học sinh tổ chức trò chơi khởi động. Việc bố trí bàn ghế theo hình thức học VNEN (xếp 2 bàn đôi lại với nhau cho một nhóm học sinh học tập và thảo luận) làm cho học sinh khó ngồi và khó di chuyển. Do nhiều trường phải học ghép, nhiều điểm trường lẻ nên khó có khả năng nhân rộng mô hình. Đặc biệt, vốn tiếng Việt của học sinh người dân tộc còn hạn chế, hầu hết các em còn rụt rè, nhút nhát, thao tác chậm.

Ông Nguyễn Hữu An, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, kiến nghị: Ngoài việc biên soạn chương trình sách giáo khoa theo xu hướng tiếp cận mô hình dạy học mới, nên có sự đầu tư tăng cường đồng bộ cơ sở vật chất cho các trường; tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên để thực hiện chuyển đổi chương trình thay sách giáo khoa theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh, phát huy năng lực và phẩm chất của các em.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước