Hiện tại, việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước chặt chẽ gồm đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp trường/viện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động và thực hiện trách nhiệm giải trình trong quá trình đào tạo; đồng thời đề nghị các bên liên quan và toàn xã hội tiếp tục tăng cường giám sát, phản ánh, tư vấn… nhằm tăng cường chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ.
Luận án tiến sĩ giáo dục học với tiêu đề "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" vừa qua là tâm điểm gây tranh cãi về tính khoa học và ứng dụng. Hiện nhiều ý kiến cho rằng đề tài này chưa xứng tầm.
Chuyện cực kỳ nghiêm trọng
Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" mà dư luận quan tâm nhiều thời gian qua là của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được bảo vệ thành công năm 2022.
Trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT đăng tải đầy đủ thông tin lưu trữ toàn văn luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.
Đề tài thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Tìm kiếm theo từ khoá tại chuyên trang này thì có tới 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến lĩnh vực phát triển môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước. Trong đó, một số luận án có tiêu đề gần giống luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.
Nhiều ý kiến gọi đây là "công nghệ nhân bản tiến sĩ" ở Việt Nam. Những đề tài nghiên cứu "dễ dãi" khiến dư luận cũng như giới khoa học "dậy sóng". Thực trạng đào tạo tiến sĩ có đến mức báo động?
Khi đọc các luận án tiến sĩ này, GS.TSKH Ngô Việt Trung thốt lên: "Thật khủng khiếp. Chỉ những người đầu óc có 'vấn đề' mới có thể tin đây là những luận án tiến sĩ. Cá nhân nào, hội đồng nào cho phép bảo vệ những đề tài như thế này?".
GS Trung nêu một thực tế, các doanh nghiệp tư nhân hầu như không dùng các tiến sĩ. Chỉ có các cơ quan Nhà nước hay các cơ sở giáo dục và đào tạo mới cần đến bằng cấp tiến sĩ, được chắp cánh bởi các quy định chuẩn hoá các vị trí công tác. Tuy nhiên, phần lớn cơ quan này chỉ để ý đến cái bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của các tiến sĩ. Vì vậy, nghiên cứu sinh sẽ tìm đến những cơ sở đào tạo "dễ dãi" mà tránh những cơ sở nghiêm túc.
Việc đào tạo tiến sĩ quá dễ dãi, hệ lụy sẽ rất khủng khiếp. Sẽ có những cán bộ không đủ trình độ, năng lực vào làm ở các vị trí lãnh đạo… Điều đáng nói, chuyện đào tạo "dễ dãi" này không mới có, chỉ là đến giờ mới nhắc đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!