Chuyên gia nói về “công nghệ nhân bản tiến sĩ”

Theo SKĐS-Thứ bảy, ngày 07/05/2022 07:28 GMT+7

VTV.vn - Việc dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ, theo các chuyên gia sẽ để lại hậu quả khủng khiếp. Người năng lực yếu kém sẽ có thể giữ các vị trí lãnh đạo, kéo lùi sự phát triển.

Chuyện cực kỳ nghiêm trọng

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều chia sẻ về nội dung các đề tài luận văn tiến sĩ với nội dung gần giống nhau, chỉ thay tên địa danh. Hay một số đề tài nghiên cứu được cho là ít có ý nghĩa như nghiên cứu phát triển môn cầu lông ở Sơn La. Cụ thể, dư luận quan tâm nhiều đến luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được bảo vệ thành công năm 2022.

Trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT đăng tải đầy đủ thông tin lưu trữ toàn văn luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh. Đề tài thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Tìm kiếm theo từ khoá tại chuyên trang này thì có tới 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến lĩnh vực phát triển môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước. Trong đó một số luận án có tiêu đề gần giống luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.

Nhiều ý kiến gọi đây là "công nghệ nhân bản tiến sĩ" ở Việt Nam. Những đề tài nghiên cứu "dễ dãi" khiến dư luận cũng như giới khoa học "dậy sóng". Thực trạng đào tạo tiến sĩ có đến mức báo động?

Chuyên gia nói về “công nghệ nhân bản tiến sĩ” - Ảnh 1.

Đào tạo tiến sĩ dễ dãi, hệ lụy rất nghiêm trọng. Ảnh minh họa.

Khi đọc các luận án tiến sĩ này, GS.TSKH Ngô Việt Trung thốt lên: Thật khủng khiếp. Chỉ những người đầu óc có "vấn đề" mới có thể tin đây là những luận án tiến sĩ. Cá nhân nào, hội đồng nào cho phép bảo vệ những đề tài như thế này?

GS Trung nêu một thực tế, các doanh nghiệp tư nhân hầu như không dùng các tiến sĩ. Chỉ có các cơ quan Nhà nước hay các cơ sở giáo dục và đào tạo mới cần đến bằng cấp tiến sĩ, được chắp cánh bởi các quy định chuẩn hoá các vị trí công tác. Thế nhưng phần lớn cơ quan này chỉ để ý đến cái bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của các tiến sĩ. Vì vậy, nghiên cứu sinh sẽ tìm đến những cơ sở đào tạo "dễ dãi" mà tránh những cơ sở nghiêm túc. Việc đào tạo tiến sĩ quá dễ dãi, hệ lụy sẽ rất khủng khiếp. Sẽ có những cán bộ không đủ trình độ, năng lực vào làm ở các vị trí lãnh đạo… Điều đáng nói, chuyện đào tạo "dễ dãi" này không mới có, chỉ là đến giờ mới nhắc đến.

Không nên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chung chung

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ câu chuyện: "Tôi nhớ thời tôi còn làm ở Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã có lần xuống nói với chúng tôi rằng, các đồng chí là những người làm công tác quản lý, các đồng chí nên để danh hiệu GS, PGS cho các trường, chứ không nên mình làm quản lý mà cứ nhận danh hiệu đó. Một số người thì không làm, nhưng cũng có khá nhiều người làm. Có người sắp nghỉ hưu rồi vẫn cố làm cho được cái học hàm đó. Thói háo danh, cố bằng mọi cách có học hàm, học vị để thăng tiến… là vấn đề nhức nhối rất lâu ở Việt Nam".

TS Khuyến kể, ngày trước khi ông làm việc ở Liên Xô, có những người làm việc rất tích cực nhưng không đủ chuẩn phong GS nên người ta không phong. Khi người đó chuyển sang trường đẳng cấp thấp hơn thì họ lại nghiễm nhiên là GS. Nên người ta sẽ phân biệt trình độ bằng cách ông là GS, TS của trường nào.

Ngay cả trong xét chức danh GS, PGS hiện cũng có nhiều bất cập. GS, PGS là các chức danh gắn với nghiên cứu giảng dạy, đồng nghĩa phải gắn liền với trường. Trên thế giới, người ta chỉ gọi giáo sư của trường đại học A, phó giáo sư của trường đại học B chứ không có chức danh chung chung. Việc phong hàm hoàn toàn do hội đồng chức danh, không có vai trò của nhà trường. Sau này có sửa lại là hội đồng chức danh xét duyệt các GS, PGS có đủ tiêu chuẩn không, còn bổ nhiệm hay không là việc của trường. Nhưng có bao giờ hội đồng chức danh thông qua mà trường không thông qua đâu.

Cách tốt hơn cả là các trường định ra các tiêu chuẩn của mình và tự bổ nhiệm GS, PGS của trường chứ không còn GS, PGS của nhà nước. "Không nên có giáo sư suốt đời. Các trường có thể phong hàm GS, PGS theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm. Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận là GS, PGS nữa. Chứ như ở ta hiện nay, GS, PGS thì đến chết vẫn giữ chức danh đó. Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là GS, PGS, đó là chuyện vô lý", TS Lê Viết Khuyến đề xuất.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm vừa ký văn bản thông báo Kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019. Kết luận của thanh tra cũng chỉ rõ, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ của Học viện Khoa học xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh, quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.

Điển hình như, quy trình đào tạo thạc sỹ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đạo tạo trình độ tiến sỹ. Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Thông báo tuyển sinh trình độ thạc sỹ không quy định về số năm kinh nghiệm tối thiểu, không có chỉ tiêu tuyển sinh từng chuyên ngành đào tạo thạc sỹ.

Ngoài ra, TTCP còn chỉ ra một số khuyết điểm khác sau quá trình thanh tra như: số nghiên cứu sinh quá hạn thời gian đào tạo còn nhiều; một số hồ sơ xét tuyển trình độ tiến sỹ không cho điểm phần đánh giá hồ sơ; hồ sơ học viên không có lý lịch khoa học của người hướng dẫn; có học viên không có Phiếu đăng ký xét tuyển, bản sao các bài báo khoa học đã công bố…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước