Cần phân tích tác động của Nghị quyết 29 đối với các cơ sở giáo dục đại học
Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo, dục đào tạo (Nghị quyết 29) đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác Bộ GDĐT làm việc tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
Theo PGS.TS Phạm Xuân Dương, Nghị quyết 29 đã tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo qua việc triển khai các chương trình đào tạo theo CDIO đào tạo tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 29.
Nhà trường tích cực đổi mới các hoạt động quản lý giáo dục đào tạo, áp dụng nhiều giải pháp liên quan đến tự phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng số lượng công bố quốc tế gấp nhiều lần so với giai đoạn trước.
Có thể nhận định 10 năm qua là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất về ngành nghề đào tạo của nhà trường. Trong 10 năm, nhà trường đã thực hiện mở mới 4 ngành đào tạo, 15 chuyên ngành đào tạo trong đó có 4 chuyên ngành đào tạo chất lượng cao, 2 chuyên ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến, duy trì đào tạo 2 chương trình lớp chọn (dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên các chuyên ngành Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển).
Đi cùng đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập cũng được triển khai. Bên cạnh phương pháp đánh giá kiến thức theo truyền thống, các rubric mô tả đánh giá kỹ năng, thái độ của người học cũng được triển khai xây dựng và công khai với người học.
Để kiểm soát chất lượng, nhà trường kiểm soát phương pháp đánh giá các chuẩn đầu ra trong đề cương các học phần và yêu cầu giảng viên công khai nội dung giảng dạy, đánh giá học phần cho sinh viên từ đầu học kỳ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy trao đổi tại buổi làm việc với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
Đối với đào tạo sau đại học, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo được quy định trong quy chế đào tạo của nhà trường, được cụ thể hóa trong các quy trình quản lý chất lượng mà Nhà trường áp dụng (Tiêu chuẩn ISO 9001:2015).
Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai phương pháp giảng dạy tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ chưa đạt hiệu quả đồng đều trong đội ngũ giảng viên. Ở giai đoạn đầu, một số giảng viên còn có tâm lý ngại thay đổi; một số giảng viên nắm bắt, triển khai phương pháp mới còn chậm.
Số lượng đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp thành phố được triển khai còn khiêm tốn so với tiềm lực nghiên cứu khoa học của nhà trường. Việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường nghiên cứu khoa học ở học viên sau đại học còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
Ngoài ra, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam chưa xây dựng được chương trình liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nhà trường có gặp khó khăn trong triển khai tự chủ tài chính do vướng các quy định liên quan.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác ghi nhận những kết quả tích cực của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Các thành viên trong đoàn công tác góp ý, nhà trường cần bổ sung và làm rõ hơn một số nội dung như: văn hóa chất lượng, kết quả đào tạo về giáo dục quốc phòng, xác định nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, thực hiện trong thời gian tới.
Nhiều ngành đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có tính chất đặc thù, cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng hải, kinh tế biển… Do đó, đoàn công tác gợi ý, nhà trường cần kiến nghị đề xuất với cơ quan chủ quan là Bộ Giao thông vận tải để có thêm nguồn lực đầu tư nhằm phát huy lợi thế, từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong cơ chế, chính sách…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết 29 đã triển khai được 10 năm. Toàn ngành đã nỗ lực thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học.
Tuy nhiên, để hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của toàn ngành, cần có những nhìn nhận khách quan của các cơ sở giáo dục đại học. Trên tinh thần đó, báo cáo của nhà trường cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những thuận lợi khó khăn, thách thức và kiến nghị đề xuất giải pháp thực hiện.
Thứ trưởng gợi mở, những gì ngành Giáo dục làm được, có tác động tích cực đến nhà trường hoặc những gì còn là "điểm nghẽn" thì nhà trường cần phân tích sâu sắc và có thuyết minh, minh chứng khoa học để tăng thuyết phục.
Trên cơ sở đó, nhà trường có thể kiến nghị đề xuất giải pháp với Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở giáo dục đại học đang gặp phải, để tiếp tục cải tiến, đổi mới sáng tạo đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của Đảng và các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GDĐT luôn đồng hành cùng các trường. Tuy nhiên, trước hết các cơ sở giáo dục, đạo tạo phải có tiếng nói để cùng nhau hoàn thiện Báo cáo hoàn tổng kết thực hiện Nghị quyết 29 một cách hoàn chỉnh; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Nghị quyết 29 tạo chuyển biến mạnh mẽ chất và lượng trong các nhà trường
Khảo sát tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, đoàn công tác của Bộ GDĐT góp ý, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cần xác định đâu là vấn đề trọng tâm cần tập trung để phát triển. Trong 9 nhiệm vụ, giải pháp, nhà trường cần có kế sách triển khai, thực hiện; trong đó thể hiện rõ hơn những kiến giải trong thời gian tới. Báo cáo cũng cần rõ nét hơn về định hướng phát triển nhà trường trong tương lai.
Đoàn công tác của Bộ GDĐT khảo sát tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng
Ngoài ra, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 29 của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cần có thêm những minh chứng cụ thể, nhằm thể hiện tính khách quan những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, bất cập; đồng thời tăng tính thuyết phục khi đề xuất, kiến nghị lên cấp cao hơn.
Các dữ liệu cần chi tiết hơn, phản ánh sâu sắc hơn về công tác đào tạo đại học, sau đại học, về đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đoàn công tác cũng mong muốn, các đề xuất của nhà trường cần sắc nét hơn để Bộ GDĐT có thể tổng hợp vào báo cáo chung.
Trước yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi nhà trường cần nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa. Trong Quy chế đào tạo có cơ chế mở để thu hút sinh viên nước ngoài vào theo học. Vì vậy, nếu có "thị trường" thì Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có thể tiếp cận để thu hút, đào tạo cho người nước ngoài.
.TS Nguyễn Văn Khải - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng khẳng định, cơ chế tự chủ đã tạo động lực để nhà trường quyết tâm đổi mới; đến nay có được những chuyển động tích cực.
Từ năm học 2018-2019, trong khuôn khổ Dự án HPET về đổi mới chương trình đào tạo y khoa của Bộ Y tế, có sự tham gia của các chuyên gia Havard, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng triển khai chương trình đào tạo Bác sĩ đa khoa dựa trên năng lực lấy người học làm trung tâm. Để thực hiện được chủ trương này, đòi hỏi sự quyết tâm, kiên quyết, kiên trì của tập thể nhà trường, quan trọng là nhận thức, tư duy phải thay đổi.
Đoàn công tác của Bộ GDĐT làm việc với Trường Đại học Y Dược Hải Phòng
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, hằng năm, nhà trường có phiếu khảo sát về độ hài lòng của học viên, sinh viên đối với giảng viên, cán bộ nhà trường; khảo sát nhà tuyển dụng đối với kiến thức, kỹ năng và thái độ của bác sĩ mới ra trường, từ đó làm căn cứ để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Nhà trường là đơn vị đi đầu trong khối ngành sức khỏe xây dựng và giảng dạy chương trình đổi mới y khoa, do đó sinh viên được thực hành, làm việc nhóm nhiều hơn, được thăm khám bệnh nhân qua "bệnh nhân chuẩn" trước khi đi thực tập tại các bệnh viện với bệnh nhân thật nên tay nghề, kỹ năng, thái độ sẽ được nâng cao. Nhà trường đã mở rộng bệnh viện thực hành sang các tỉnh lân cận để sinh viên, học viên có cơ hội tiếp cận với bệnh nhân nhiều hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, các chủ trương của Nghị quyết 29 có tác động lớn đến các cơ sở giáo dục đại học; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các nhà trường; trong đó có Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.
Ghi nhận những kết quả, bài học kinh nghiệm của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành y có tính đặc thù, nhà trường cần tiếp tục đổi mới cách tiếp cận theo hướng hiện đại, đào tạo gắn lý luận với thực tiễn, thực hành, phát triển năng lực nghề nghiệp cho người học.
Về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng đề nghị Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có những kiến nghị cụ thể với Bộ Y tế; làm sao để trường ngày càng phát triển hơn trong tương lai và tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, chữa bệnh cho bệnh nhân trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!