Chờ nghị định mới, nhiều trường đại học quyết định không tăng học phí

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 26/09/2023 18:20 GMT+7

VTV.vn - Việc chậm đưa ra dự thảo, nghị định thay thế Nghị định 81 liên quan đến học phí đại học khiến các trường bị động, không biết nên thu học phí như thế nào?

Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 và học phí giữ ổn định so với năm 2021 - 2022. Mức học phí đại học đã không tăng trong 3 năm qua.

Đến năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 2023 không có quy định khác, mức học phí năm học 2023 - 2024 sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 81. Học phí sẽ tăng cao so với năm 2022 - 2023. Mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học này sẽ tăng trung bình trên 45,7% so với năm trước. Đặc biệt, khối ngành y dược có thể tăng đến 93%. Khối ngành nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%.

Theo tờ trình dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81. Trong khi chờ văn bản pháp luật về mức học phí mới, nhiều trường đại học đã quyết định không tăng học phí.

Dù đề án tuyển sinh công bố học phí sẽ tăng thêm 10% nhưng năm học này, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên mức học phí như năm trước, dao động từ 13 triệu đồng - 24 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng giữ nguyên mức học phí với hệ đại trà 354.000 đồng/tín chỉ, tương đương 12 triệu/năm. Mức học phí này được trường duy trì liên tục 4 năm nay.

Trường Đại học Ngoại thương thông báo không tăng học phí trong năm học 2023-2024. Hiện mức học phí trường áp dụng là từ 25 - 45 triệu đồng/năm.

Học phí Đại học chưa tăng kể từ năm 2020 trong khi nhiều trường công lập phải chịu áp lực rất lớn từ lộ trình tự chủ. Một khi các trường quá phụ thuộc vào học phí dù là trường công hay tư thục sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Ngân hàng thế giới đã khuyến nghị Việt Nam cần nâng mức chi cho giáo dục đại học từ 0,18% GDP hiện nay lên 0,8 - 1% GDP trước năm 2030 để tránh nguy cơ bất bình đẳng về khả năng tiếp cận đại học, đảm bảo tính bền vững trong tài chính giáo dục đại học.

Việc các trường phụ thuộc quá nhiều vào học phí thì rủi ro rất lớn nhất là khi tình hình tuyển sinh, nhu cầu xã hội đã có nhiều thay đổi. Mùa tuyển sinh vừa qua, gần 120.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không chọn vào đại học. Để tồn tại, các trường đại học phải tính đến giải pháp đa dạng hóa, mở rộng nguồn thu thay vì chỉ có cách thu học phí cao thế nhưng điều này không hề dễ.

Không dễ tạo nguồn thu ngoài học phí

Ngay khi thực hiện tự chủ từ năm 2015, trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã thay đổi cơ cấu nguồn thu. Trong đó, tập trung tăng cường chuyển giao công nghệ vốn là thế mạnh của nhà trường. Thậm chí, nhà trường còn thu hút được 2 doanh nghiệp tham gia thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Thế nhưng, nguồn thu từ các dịch vụ này chỉ chiếm 5% trong tổng nguồn thu.

Ba nguồn thu chính hiện nay của đại học ở Việt Nam và cả thế giới là ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác bao gồm thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư... Thực tế, tại Việt Nam, nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, hiến tặng rất khó để khai thác, nhất với trường đại học công lập.

Một khi các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa thể khai thác tốt các nguồn thu khác thì học phí vẫn là lựa chọn đầu tiên. Để đại học không chỉ dành cho người giàu, sự năng động của các trường là chưa đủ mà cần cơ chế thoáng hơn để thúc đẩy sự năng động, chủ động đó.

Chờ nghị định mới, nhiều trường đại học quyết định không tăng học phí - Ảnh 1.

Tìm giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo

Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh là trường Đại học đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh trang bị hệ thống lưới điện thông minh vào giảng dạy. Toàn bộ chi phí đầu tư do doanh nghiệp bỏ ra. Nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo nhân lực sử dụng thiết bị thành thạo. Năm học này là năm thứ 4 trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh không tăng học phí.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, chi phí để duy trì, duy tu, học phí còn được dùng để chi trả cho cán bộ giảng viên. Làm thế nào để giữ chân giảng viên giỏi không để chảy máu chất xám từ trường công sang trường tư cũng là bài toán đặt ra khi không tăng học phí.

Hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo đang là cách nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng để giảm gánh nặng lên học phí. Thế nhưng, để thực hiện, không phải trường đại học nào cũng có lợi thế nhất là khối ngành khoa học xã hội. Về lâu về dài vẫn cần cơ chế chính sách thoáng hơn từ Chính phủ thay vì trì hoãn tăng học phí.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước