Nhiều em học sinh băn khoăn ngành Báo chí sẽ làm những công việc như thế nào? Môi trường và tính chất công việc của ngành Báo chí có gì đặc biệt và hấp dẫn đối với các bạn trẻ?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Nghề báo rất đa dạng. Hiện nay có 4 mảng là: báo in, báo mạng, truyền hình và phát thanh... phản ánh mọi mặt của xã hội. Do đó đòi hỏi người học phải có nhiều kỹ năng như: say mê, đồng cảm và tỉnh táo. Tuy nhiên dù có đa dạng đến đâu thì người học cũng phải đáp ứng được tiêu chí là phản ánh được xã hội.
Thưa TS Đỗ Chí Nghĩa, ông có thể khái quát đặc trưng cũng như yêu cầu công việc của 4 loại hình báo chí này? Theo nhận định của ông thì loại hình báo chí nào đang phát triển mạnh nhất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm nhất cho các ứng viên?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Báo chí đang có sự đang xen, hiện Học viện Báo chí đào tạo 7 chuyên ngành Báo chí, tạo điều kiện cho người học báo có thể làm báo trong mọi điều kiện. Không thể nói loại hình nào mạnh nhất vì mọi loại hình báo chí đều có tiềm năng phát triển. Nếu sinh viên có đam mê, thực sự yêu nghề mới nên theo đuổi ngành báo chí.
Báo mạng có sức hút nhanh. Nếu em học ngành báo in thì cơ hội việc làm thế nào? Báo điện tử có nhiều cơ hội việc làm không?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Chúng ta thấy báo in đang trong giai đoạn suy thoái trên toàn cầu, co hẹp lại. Tuy nhiên xét về khía cạnh khác thì báo in vẫn có thế mạnh. Chúng tôi thường có câu “Tạp chí là thuốc bắc thì báo in là thuốc kháng sinh”. Do đó báo in vẫn có giá trị riêng của nó.
Báo mạng điện tử: Trước tiên các bạn phải phân biệt được báo mạng và trang thông tin điện tử. Nếu các bạn học tập tốt thì cơ hội việc làm rất tốt.
Truyền hình: "Mang cả thể giới vào ngôi nhà của bạn". Truyền hình đang giữ thế mạnh với nhiều vị trí và công việc khác nhau. Tuy nhiên việc chọn con người và đào thải trong công việc cũng rất cao.
Có ý kiến cho rằng có nhiều người không học báo nhưng vẫn làm có thể làm báo tốt vì có kiến thức chuyên ngành. Chính vì vậy mà sinh viên báo chí phải chịu sự cạnh tranh rất cao từ sinh viên trường khác trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Ông nghĩ sao về ý kiến trên? Và theo ông, sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên ngành Báo chí sẽ có ưu thế như thế nào trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Báo chí là ngành dung hòa được nhiều ngành nghề khác. Có nhiều nhà báo thành công không từng trải qua đào tạo chuyên ngành. Đối với sinh viên học báo chí, trong 4 năm các em được học nhiều kỹ năng, nghiệp vụ, được tiếp xúc với nhiều nhà báo nổi tiếng đó là lợi thế, bên cạnh đó, các em cần tìm hiểu các mảng xã hội mà mình quan tâm (chính trị, văn hóa, xã hội, giải trí), tự phát huy năng lực và nhất là đam mê thì sẽ học và làm tốt ngành báo chí truyền thông.
Để theo được ngành Báo thì cần những tố chất và kỹ năng gì? Khi học tại trường thì sinh viên có những hoạt động gì để trau dồi rèn luyện các kỹ năng đó?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Nói đến tố chất của người làm báo thì có nhiều yêu cầu được đặt ra:
- Phải nhạy bén, hiểu nguyên tắc vận hành của xã hội, nắm bắt thông tin nhanh, giao tiếp tốt.
- Có sức khỏe tốt vì áp lực công việc thường xuyên.
- Phải có niềm say mê với nghề nghiệp.