Năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine COVID-19

Việt Cường, Văn Khương, Trung Thành-Thứ bảy, ngày 28/08/2021 20:09 GMT+7

VTV.vn - Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành giáo dục với các địa phương diễn ra sáng 28/8.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh trên cả nước do tác động của dịch bệnh. Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine.

Năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1, cũng đồng thời là năm dịch COVID-19 hoành hành, gây ra nhiều khó khăn cho công tác dạy và học. Thách thức này kéo dài và phức tạp hơn sang năm học 2021 - 2022, khi học sinh nhiều địa phương hiện không thể đến trường, chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục triển khai ở lớp 2 và lớp 6.

Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và sự đồng lòng của toàn ngành giáo dục, thời gian qua, thầy trò cả nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận về chất lượng dạy và học.

Năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 tại các điểm cầu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Đối với việc triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, một năm học với nhiều khó khăn, thách thức khó lường, ngành giáo dục xác định tâm thế sẵn sàng nhằm chuyển trạng thái dạy học thích ứng với dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các phương án, kịch bản dạy học khác nhau phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh kéo dài. Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học; xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước.

Căn cứ vào khung kế hoạch năm học mới, các địa phương đã chủ động chuẩn bị nhiều phương án đảm bảo "tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học".

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả của ngành giáo dục và đào tạo đạt được. Ngành đã từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm "lấy học sinh làm trung tâm".

Đặc biệt, ngành giáo dục đã linh hoạt, triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động ứng dụng công nghệ quản lý, dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; tổ chức triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT sát hợp với tình hình, đảm bảo nghiêm túc, an toàn và chống dịch. Cả nước ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực này của toàn ngành.

Năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng chia sẻ, chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới bắt đầu. Đây là thời điểm mỗi giáo viên, học sinh, háo hức, mong chờ ngày tựu trường, nhưng có lẽ nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước chưa thực hiện được do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao toàn thể thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục trên toàn quốc đã vượt qua nghịch cảnh của dịch bệnh để thực hiện tốt sự nghiệp "trồng người".

Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị, bên cạnh việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển sự nghiệp giáo dục, cần có những giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới với sự cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến tất các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong thời khắc khó khăn này.

Ngoài một số tồn tại được các đại biểu chỉ ra như việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số nơi; thừa, thiếu giáo viên cục bộ, kiến thức cho học sinh vẫn nặng về lý thuyết mà còn thiếu tính thực tiễn, tính ứng dụng và kỹ năng sống, Thủ tướng bổ sung thêm một số hạn chế khác, đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số nơi, một số lúc chưa ngang tầm với vị trí, vai trò "quốc sách hàng đầu" giáo dục.

Theo Thủ tướng, vẫn còn hiện tượng bệnh thành tích trong giáo dục, học thêm, dạy thêm vẫn phổ biến. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đời sống giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tác động của dịch bệnh COVID-19 đến giáo dục chưa được tiên lượng và đánh giá thấu đáo về mọi mặt.

Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục và các địa phương phải có cách làm, kế hoạch giải quyết các vấn đề trên một cách khả thi, phù hợp, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Về kế hoạch của năm học 2021 - 2022, Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine. Việc trường học hoạt động trở lại bình thường là mong ước của rất nhiều gia đình hiện nay.

Năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh "Chúng ta làm tất cả nhưng gì có thể làm được để các cháu được tiêm vaccine", đồng thời bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khác khi học sinh trở lại học bình thường, an toàn.

Đối với những vùng có nguy cơ cao, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp, các địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập.

Nhấn mạnh thông điệp "tất cả vì tương lai con em chúng ta", Thủ tướng yêu cầu, đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí. Về vấn đề này, ngày 27/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ ngành địa phương giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm như chính sách trang bị cơ sở vật chất cho giáo dục, chế độ đãi ngộ cho giáo viên đặc biệt giáo viên vùng sâu vùng xa, giáo viên mầm non và giáo viên bị ảnh hưởng thu nhập do dịch bệnh, giảm tình trạng học thêm dạy thêm, bệnh thành tích trong giáo dục, nâng cao chất lượng việc học lịch sử, ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ hội nhập. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền, trong đó có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xem xét giải quyết.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng và khen ngợi kết quả của các đoàn dự thi Olympic quốc tế năm 2021 khi mà tất cả các thành viên đội tuyển đều đạt giải và bằng khen, trong đó có 12 huy chương vàng; các em học sinh đạt thủ khoa trong kỳ thi THPT vừa qua, cùng hàng vạn tấm gương hiếu học vươn lên, chứng tỏ truyền thống hiếu học của đất nước ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây là những tấm gương sáng về trí tuệ, tinh thần vượt khó và hội nhập quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước