Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành công văn Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non (GDMN) tới Sở GDĐT các tỉnh/thành phố, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu và Ban phụ nữ Quân đội.
Căn cứ hướng dẫn này, Bộ GDĐT đề nghị Sở GDĐT các tỉnh/thành phố, xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm học 2021-2022 và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị liên hệ về Bộ GDĐT (qua Vụ GDMN) để phối hợp, giải quyết.
Theo hướng dẫn, chủ đề năm học 2021-2022 cấp học mầm non là "Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện".
Về phương hướng chung, Bộ GDĐT nhấn mạnh sự chủ động xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDMN trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện Chương trình GDMN sau sửa đổi, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Khẩn trương hỗ trợ trường lớp, giáo viên bị COVID-19 ảnh hưởng
Hướng dẫn nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại của các cơ sở GDMN trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các cơ sở GDMN dân lập, tư thục. Tham mưu chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của đơn vị, hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng, tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở GDMN giải thể.
Các địa phương, cơ sở GDMN cần đảm bảo thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ cho trẻ em và giáo viên theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở GDMN trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Các nội dung Chuyên đề ‘‘Đẩy mạnh phòng chống bạo hành trẻ’’ phải được đưa vào nhiệm vụ thường xuyên của cơ sở GDMN, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ sở GDMN.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình; tăng cường đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn, không phát sinh hệ thống hồ sơ sổ sách so với quy định.
Đặc biệt, xử lý nghiêm những tổ chức và cá nhân vi phạm. Phối hợp quản lý chặt chẽ các cơ sở GDMN ngoài công lập; kiên quyết đình chỉ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập không đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Trong công tác rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp, cần chú trọng tiếp tục phát triển các cơ sở GDMN dân lập, tư thục để giảm áp lực cho các trường mầm non công lập. Không sáp nhập các trường mầm non vào các trường phổ thông; đảm bảo quyền lợi đến trường của trẻ em; đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất một trường mầm non công lập.
Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi; phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo ở những nơi đủ điều kiện, tiến tới toàn quốc đạt chuẩn phổ cập GDMN vào năm 2030.
Không dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non
Hướng dẫn lưu ý, chú trọng quản lý chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở GDMN; có giải pháp hỗ trợ, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ em ở vùng khó khăn.
Đẩy mạnh giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe. Phối hợp với gia đình xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý đối với trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì; đa dạng các hình thức tuyên truyền đến các bậc cha mẹ trẻ về chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và phòng chống dịch bệnh.
Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN, văn bản nêu rõ, trong thời gian chưa đến trường để tránh dịch và khi đến trường trở lại, các cơ sở GDMN phải chú trọng phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà.
Tuyệt đối không tổ chức dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non. Thay vào đó, cần duy trì hoạt động kết nối bằng kênh liên lạc phù hợp, hình thành các nhóm qua mạng giữa giáo viên và các phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em.
Đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1.
Khi trẻ em đến trường trở lại, cơ sở GDMN lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết, phù hợp với thời gian còn lại của năm học, hướng dẫn giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ em trong lớp, giúp trẻ đạt mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo Chương trình GDMN; đảm bảo trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN khi kết thúc năm học.
Để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình GDMN sau sửa đổi, Bộ GDĐT lưu ý, cần ưu tiên thực hiện dịch vụ bán trú phù hợp với điều kiện của địa phương để bảo đảm chế độ sinh hoạt cho trẻ được quy định tại Chương trình GDMN và chế độ làm việc của giáo viên mầm non theo quy định. Giao quyền chủ động cho cơ sở GDMN, giáo viên lựa chọn, bổ sung những nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDMN, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả.
"Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp"
Để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, Bộ GDĐT yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đảm bảo chất lượng GDMN.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở GDMN. Bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ được đào tạo và tiếp tục đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định hiện hành.
Đặc biệt, tiếp tục tham mưu cho các cấp bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và theo chủ trương của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/202 theo tinh thần "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp".
Cơ sở GDMN bố trí bảo đảm ít nhất 02 giáo viên/lớp; các cơ sở GDMN tại các địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phải bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 02 buổi/ngày theo quy định.
Tiếp tục tuyển dụng kịp thời đối với giáo viên mầm non còn thiếu theo định mức, các đơn vị chưa tuyển dụng kịp tăng cường tham mưu với HĐND và UBND tỉnh/thành phố phương án bố trí giáo viên để đảm bảo an toàn cho trẻ, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình GDMN.
Về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với GDMN, Bộ GDĐT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng kho tài liệu học liệu trực tuyến dùng chung, lựa chọn nền tảng, giải pháp phần mềm quản lý nhằm hỗ trợ thực hiện và triển khai Kế hoạch giáo dục theo Chương trình GDMN.
Việc lựa chọn nền tảng và phần mềm cần hiệu quả, dễ sử dụng, có tính hệ thống và khoa học trong việc lưu trữ, dễ khai thác và chia sẻ tài nguyên; hỗ trợ tốt cho công tác quản lý của nhà trường và kiểm tra, giám sát; giảm hồ sơ giấy.
Các địa phương chủ động xây dựng và triển khai thí điểm mô hình ứng dụng CNTT, công nghệ số trong các hoạt động của cơ sở GDMN để nhân rộng theo chỉ đạo tại Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT ngày 30/6/2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!