Hoang mang với đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

Hoàng Khoa-Thứ hai, ngày 12/05/2014 06:38 GMT+7

Ảnh minh họa

Việc đổi mới đề thi môn Ngữ văn, môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng, nhất là các em học sinh.

Mặc dù thời gian không còn dài, nhưng việc ôn luyện môn Ngữ văn của giáo viên và các học sinh trường THPT Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang dường như vẫn rất mông lung. Nếu trong những năm trước, thầy cô có thể dựa vào cấu trúc đề sẵn có để ôn luyện cho học sinh, thì năm nay các thầy cô phải tìm kiếm thêm trên mạng các đề tham khảo được cho là tương tự với đề thi ngữ văn năm nay. Và kết quả lại càng làm cho cả thầy và trò thêm bối rối.

 

Em Nguyễn Minh Quân, học sinh trường THPT Bình Khánh cho biết: “Em rất tự tin đối với hai môn Anh văn và Toán. Còn môn Văn, em không chắc lắm. Em lo nhất là phần đọc hiểu. Mặc dù cô đã đọc cho tụi em nhưng em vẫn không hiểu”.

 

Cô Trần Kim Thoa, Giáo viên dạy văn Trường THPT Bình Khánh chia sẻ: “So với mọi năm thì năm nay có nhiều khó khăn. Do cấu trúc của đề do Bộ đưa xuống quá trễ, thầy cô ở trường không kịp soạn giáo án để ôn tập cho các em học sinh. Thang điểm cũng không rõ ràng ở từng phần nên không biết nhấn mạnh ở đâu, học sinh hoang mang, người dạy cũng hoang mang, không biết như thế nào”.

 

Năm 2014, bên cạnh đổi mới về số môn thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, quy định điểm liệt… trong kỳ thi tốt nghiệp THPT này, đối với môn Ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đưa ra cấu trúc mới cho đề thi. Theo đó, môn Ngữ Văn sẽ có hai phần: đọc - hiểu và viết.

 

Phần kiểm tra năng lực viết sẽ đưa ra hai yêu cầu: một câu viết bài nghị luận xã hội, một câu là viết nghị luận văn học. Với nội dung này, câu hỏi và đáp án có tính mở. Riêng phần đọc hiểu, ngữ liệu của đề thi sẽ nằm ngoài sách giáo khoa.

 

Có thể nói, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn đổi mới hình thức thi cử làm khâu đột phá, để thay đổi căn bản, toàn diện việc dạy và học hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên mọi sự thay đổi đều cần được thực hiện một cách đồng bộ, đặc biệt cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giáo viên và học sinh không phải ngỡ ngàng.

 

Trở lại với câu chuyện của thầy và trò trường Bình Khánh cũng như hơn 14.000 học sinh THPT của tỉnh An Giang, một trong những địa phương có số lượng học sinh tham gia kì thi tốt nghiệp THPT cao nhất tại khu vực ĐBSCL thì những nỗ lực trong thời điểm nước rút này vẫn chưa chắc chắn được kết quả thi môn Ngữ Văn năm nay của các em sẽ như thế nào?

 

Quý vị quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi chi tiết trong Video dưới đây:

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước