Giáo viên nêu ra loạt khó khăn khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Thiên Lý, Vũ Anh-Thứ tư, ngày 11/11/2020 19:16 GMT+7

VTV.vn - Dù gặp khó nhưng các trường vẫn sẽ phải thay đổi nội quy trường học, làm mới cách giảng dạy để phù hợp với những Thông tư mới của Bộ GD&ĐT và xu thế mới.

Từ đầu tháng 11, thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học với sự đồng ý của giáo viên chính thức có hiệu lực. Đã gần nửa tháng trôi qua nhưng các trường học và giáo viên vẫn phải cân nhắc trước sau khi triển khai cho học sinh.

Trong giờ học tiếng Anh lớp 9 của trường THCS Minh Đức, TP.HCM, tiết học sôi nổi, hấp dẫn hơn khi học sinh được tìm kiếm đáp án câu hỏi thông qua điện thoại thông minh. Tuy nhiên, không phải lớp nào cũng được giáo viên cho phép, môn học nào học sinh cũng được sử dụng.

Giáo viên nêu ra loạt khó khăn khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học - Ảnh 1.

Học sinh dần làm quen với việc sử dụng điện thoại hỗ trợ học tập trong lớp.

Việc cho phép sử dụng điện thoại hay không là do giáo viên quyết định. Hiện nhà trường cũng chỉ có khoảng 10 giáo viên bắt đầu cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, chủ yếu là các môn xã hội.

Cô Hoàng Thị Ngọc Yến – Trường THCS Minh Đức, TP.HCM cho hay: "Phải chọn lọc lớp, loại hình và ý thức của các bạn đến đâu, mình dám cho các bạn sử dụng. Khi mà ý thức chưa được cao thì mình không dám cho các con sử dụng bởi mình phải có trách nhiệm".

Giáo viên nêu ra loạt khó khăn khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học - Ảnh 2.

Nhiều trường vẫn e dè trước việc cho phép học sinh mang điện thoại vào lớp.

Còn đối với Trường THCS Chu Văn An, TP.HCM, quy định cấm tuyệt đối học sinh đem điện thoại đến trường đã có từ nhiều năm nay. Thông tư mới cho học sinh sử dụng điện thoại nhưng nhà trường vẫn chưa thể áp dụng. Bởi số đông phụ huynh chưa đồng tình và Ban giám hiệu cũng nhận thấy nhiều vấn đề lợi bất cập hại đối với lứa tuổi học sinh cấp 2.

Giáo viên nêu ra loạt khó khăn khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học - Ảnh 3.

Các tiết học sôi nổi, hấp dẫn hơn khi học sinh được tìm kiếm đáp án câu hỏi thông qua điện thoại thông minh.

Ông Nguyễn Kế Dân – Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, TP.HCM nêu quan điểm: "Học sinh dễ làm mất nên lúc đó của phải loay hoay đi tìm điện thoại ở đâu. Thứ hai là nhiều phụ huynh băn khoăn rằng là có phải trang bị smartphone cho con em hay không. Bởi một chiếc smartphone cũng phải tốn từ 3-5 triệu đồng".

Trên thực tế, trong quá trình thực hiện, kể cả những trường đã có thời gian cho phép học sinh sử dụng điện thoại từ rất lâu cũng gặp một số khó khăn liên quan đến đến đường truyền Internet, mạng wifi chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn cùng một lúc.

Cô Hoàng Thị Ngọc Yến – Trường THCS Minh Đức, TP.HCM cho rằng: "Đường truyền không ổn định khiến các con bị chậm thời gian làm bài cho nên mình phải cho thời gian làm bài dài hơn và kéo theo đó là những bạn sau cũng bị chậm kéo theo. Mình không thể làm kiểm tra hết cả lớp như kiểm tra giấy mà chỉ có thể là nửa lớp học".

Giáo viên nêu ra loạt khó khăn khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học - Ảnh 4.

Giáo viên quyết định việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở thời điểm nào, tiết học nào.

Bà Trần Thị Hồng Thủy – Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM bày tỏ: "Việc sử dụng điện thoại sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều nếu có mạng wifi phủ khắp toàn trường. Bởi vì không phải em nào cũng có thể sử dụng 3G, 4G. Việc không đơn giản với các trường học, và ở trường chúng tôi cũng chưa thực hiện được việc này".

Dù đã cho hay chưa cho phép học sinh sử dụng thì trong thời gian tới các trường định hướng vẫn phải thay đổi nội quy trường học, làm mới cách giảng dạy để phù hợp với những Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng xu thế và mục tiêu dần đổi mới chương trình sách giáo khoa cho từng cấp học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước