Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT sẽ cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học từ 01/11 tới đây. Quy định này nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó sự băn khoăn lớn nhất là làm sao để trang bị kiến thức cho các em, để các em hiểu và sử dụng điện thoại đúng mục đích học tập, không bị xao nhãng trong lớp?
Nhà trường bối rối trước bài toán hướng dẫn học sinh dùng điện thoại
Dù học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học có sự cho phép của giáo viên, nhưng trước khi cho phép thì giáo viên phải hướng dẫn học sinh làm sao để dùng điện thoại một cách hiệu quả, phục vụ việc học, chứ không để bị lạm dụng. Đây là vấn đề hoàn toàn mới, mà cho đến lúc này, nhiều trường học ở TP.HCM vẫn đang loay hoay.
Ghi nhận tại trường THCS Chu Văn An, Quận 1, TP.HCM, từ lâu ngôi trường này đã không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong trường lớp. Trước Thông tư mới của Bộ rồi đến văn bản hướng dẫn của Sở, một số thầy cô trong Ban phụ trách Đội đã cùng nhau họp bàn tìm ra cách hướng dẫn đối với học sinh của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt Anh bày tỏ quan điểm: "Rất nhiều hình thức để nâng cao ý thức cho các bạn. Có thể là những buổi sinh hoạt chủ nhiệm hằng tuần, qua các giờ học bằng sự quan tâm của giáo viên với học sinh, qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt giữa nhà trường với học sinh. "Mưa lâu thấm đất", mình nói riết thì các con cũng sẽ hiểu được".
Trong khi đó, giáo viên Đoàn Mỹ Ngọc lại lo lắng học sinh thay vì dùng để tra cứu thông tin như yêu cầu của giáo viên thì lại dùng để chơi game hoặc lướt web. "Mình cần phải quy định rõ giữa phụ huynh với học sinh, khi mà đã thống nhất giữa gia đình và nhà trường thì mình dễ dàng hợp tác giữa học sinh và giáo viên" - cô Ngọc chia sẻ.
Một số thầy cô trong Ban phụ trách Đội trường THCS Chu Văn An, Quận 1, TP.HCM đã cùng nhau họp bàn tìm ra cách hướng dẫn đối với học sinh của mình.
Dù vậy nhưng các giáo viên trong trường vẫn có người đồng tình, người lại cho rằng đối với học sinh THCS, việc sử dụng điện thoại để bổ trợ cho việc học là chưa thật sự cần thiết. Vì thế, tùy từng môn học, tùy từng giáo viên mà quyết định triển khai như thế nào.
Ông Nguyễn Kế Dân – Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho rừng ở lứa tuổi THCS, các cháu vẫn còn nhỏ cho nên chưa chú ý nghe những hướng dẫn của người lớn. Vì thế, việc sử dụng ở lứa tuổi THCS nhiều hạn chế, nhiều khó khăn hơn là PTTH.
Nhiều quan điểm trái chiều trên thế giới
Việc có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học đang tạo ra quan niệm trái chiều trên thế giới. Trên thực tế, điều này mang lại lợi ích khá lớn nhưng cũng đi kèm với những bất cập. Nhiều nước, cho đến nay vẫn có cách ứng xử rất khác nhau với việc cấm đoán, cho phép, hoặc cho phép một phần việc học sinh được dùng điện thoại thông minh trong môi trường giáo dục.
Kể từ năm học 2020, chính phủ Australia yêu cầu các trường công lập cấm học sinh sử dụng điện thoại và đồng hồ thông minh từ khi đến trường cho đến khi rời khỏi trường vào cuối ngày.
Nhắn tin, đăng bài trên mạng xã hội và chơi game trong giờ học là những nguyên nhân khiến điểm số của học sinh tụt dốc. Trường Đại học Kinh tế London đã thực hiện nghiên cứu trên 130.000 sinh viên ở Anh và thấy rằng điểm các bài kiểm tra đã tăng 6% khi giáo viên cấm sinh viên sử dụng điện thoại trong lớp.
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)
CNBC chỉ rõ trích nghiên cứu do đại học Chicago, Mỹ rằng ngay cả khi điện thoại di động được tắt, úp mặt hoặc cất đi, sự hiện diện đơn thuần của chúng cũng làm giảm khả năng nhận thức của học sinh. Hạn chế sử dụng điện thoại di động có thể là một chính sách chi phí thấp để giảm bớt sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Tuy nhiên, với việc nhiều trường học tin rằng điện thoại sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cho việc học tập. Nên các trường học ở Mỹ, không cấm việc mang và sử dụng điện thoại theo quy định của chính quyền liên bang.
Trong khi đó tại Nhật Bản, theo chính sách mới nhất được thông qua hồi tháng 7 vừa qua, học sinh Nhật Bản từ cấp 2 sẽ được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp.
Làm sao để quản lý học sinh dùng điện thoại tránh tác động tiêu cực? - Ý kiến từ các chuyên gia
Tại Việt Nam, các ý kiến ủng hộ cũng cho rằng, việc sử dụng các thiết bị công nghệ như là một công cụ bình thường trong cuộc sống là xu thế tất yếu. Tại sao lại trói buộc giáo viên, hạn chế học sinh được quyền tiếp cận với những công cụ có thể giúp họ học hành, tìm kiếm thông tin, bổ sung kiến thức một cách hiệu quả hơn?... Và thực tế, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32 cho phép việc này. Thế nên điều nhiều người quan tâm là lúc này, làm thế nào để quản lý việc học sinh dùng điện thoại tránh được những tác động tiêu cực.
Với tổng cộng hơn 1,7 triệu học sinh, đông nhất cả nước, ngành giáo dục TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên đã có ngay văn bản hướng dẫn các trường liên quan đến vấn đề này. Sở yêu cầu các trường thực hiện Kế hoạch Giáo dục ngoài giờ và hoạt động trải nghiệm trong năm học này.
Những trường tiên phong cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh
Cũng tại TP.HCM, thực tế một số trường đã cho phép học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học từ nhiều năm qua, trong đó có trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, trường THPT Nguyễn Du...
Là ngôi trường được tuyển sinh trên địa bàn cả 24 quận, huyện của TP.HCM nên trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đặc thù có rất nhiều học sinh nhà cách đến 30-40 km. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa học sinh và phụ huynh, nhà trường đã cho phép các em đem điện thoại đến trường từ rất lâu. Tận dụng việc đa số học sinh đều đã có điện thoại nên trong những tiết học, trong những giờ thảo luận nhóm, việc học sinh sử dụng điện thoại đã trở nên rất bình thường.
Đề cao tính kỷ luật, từ 5 năm qua, trường THPT Nguyễn Du lại đặt ra những nội quy rất nghiêm trong việc quản lý học sinh. Bị trừ điểm rèn luyện, mời phụ huynh, thậm chí là tịch thu điện thoại đến cuối học kỳ.
Theo nhà trường, việc giao điện thoại thông minh cho học sinh để ứng dụng trong việc học đã mang lại hiệu quả tích cực. Thay đổi cách học và thay đổi cả tư duy tiếp nhận kiến thức của học sinh. Việc học giờ đây không chỉ còn 01 chiều từ người dạy đến người học.
Hiệu quả từ những ngôi trường đã giao điện thoại thông minh cho học sinh cho thấy vẫn không hẳn điện thoại thông minh là nguy hiểm. Nguy hiểm hay an toàn, lợi hay hại còn do cách nhà trường và gia đình đã hướng dẫn con em mình ứng xử với điện thoại thông minh như thế nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!