Đưa học sinh đi học trực tiếp đảm bảo khoa học, thực tiễn, an toàn

PV-Thứ sáu, ngày 11/02/2022 06:13 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi kiểm tra điều kiện an toàn để đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Nhằm đánh giá tình hình tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, thúc đẩy việc mở cửa trường học an toàn tại các địa phương, ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi kiểm tra điều kiện an toàn để đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Buổi kiểm tra được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Theo báo cáo của tỉnh An Giang, toàn tỉnh sẽ cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại. Trước đó, huyện Châu Phú cũng đã tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại từ ngày 10/2, hiện tại chỉ phát hiện một học sinh bị nhiễm COVID-19 và đã tổ chức xử lý theo đúng kịch bản đã đề trước đó.

UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường. Các giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục cũng được tập huấn cách lấy mẫu và tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để chủ động tầm soát, sàng lọc các ca nhiễm một cách tốt nhất. Đối với bậc học mầm non, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trên cơ sở tự nguyện của các phụ huynh đưa con đến trường. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, toàn tỉnh An Giang phát hiện 135 cán bộ, giáo viên, 1.057 học sinh bị nhiễm COVID-19, tất cả đã được điều trị khỏi bệnh và không có trường hợp giáo viên, học sinh tử vong do COVID-19.

Đưa học sinh đi học trực tiếp đảm bảo khoa học, thực tiễn, an toàn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi kiểm tra trực tuyến

UBND tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan của từng địa phương lên phương án, kịch bản để đón học sinh trở lại trường một cách an toàn. Sở GDĐT Kiên Giang cũng đã tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên, cán bộ quản lý của các trường phổ thông để điều chỉnh kế hoạch năm học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Đối với giáo dục mầm non thì tăng cường liên hệ giữa nhà trường với gia đình để phối hợp nuôi dạy trẻ được một cách tốt nhất.

Hai địa phương An Giang và Kiên Giang đều cho thấy quyết tâm đưa học sinh trở lại trường để học tập trực tiếp. Để đảm bảo an toàn trường học Sở GDĐT An Giang và Sở GDĐT Kiên Giang kiến nghị ưu tiên nguồn vắc-xin để tiêm cho học sinh lứa tuổi từ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn. Có như vậy, phụ huynh học sinh mới thực sự yên tâm khi đưa con em mình đến trường.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị khẩn trương, chu đáo và quyết tâm của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang để đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hai địa phương đã thể hiện cách làm thận trọng đó là tổ chức đưa học sinh đi học trở lại dần dần, chắc chắn, có sự rút kinh nghiệm để đảm bảo an toàn tốt nhất cho các em học sinh. Cơ sở vật chất cho phòng, chống dịch bệnh tại các trường học được đảm bảo.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Việc đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các thầy giáo, cô giáo và toàn thể xã hội. Qua báo cáo đã cho thấy, hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đã có đầy đủ điều kiện để đưa học sinh đến trường học tập trực tiếp: Dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại hai địa phương; độ bao phủ vắc-xin trong giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh đã đạt mức cao; kinh nghiệm dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh đã được phát huy, nhất là kinh nghiệm thực hiện 5K trong các cơ sở giáo dục. Và đặc biệt là có sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành có liên quan.

Đưa học sinh đi học trực tiếp đảm bảo khoa học, thực tiễn, an toàn - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi kiểm tra trực tuyến

"Muốn trường học an toàn thì ngành giáo dục không thể tự mình làm được mà phải có sự phối hợp của ngành y tế và các ban, ngành liên quan. Sự phối hợp của các ban, ngành và phụ huynh học sinh là điều kiện căn cốt để đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp. Đưa học sinh đi học trở lại phải trên tinh thần khoa học - thực tiễn - an toàn", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đặc biệt lưu ý các nhà trường phải quan tâm tới việc nắm bắt tâm lý học sinh khi các em đi học trực tiếp trở lại. Khi học sinh quen với hình thức học trực tuyến trong một thời gian dài, giờ chuyển sang học trực tiếp thì phải có nội dung và hình thức giảng dạy phù hợp để chuyển trạng thái cho các em. Cùng với đó, cần tăng cường các hình thức truyền thông để tạo sự yên tâm cho cha mẹ học sinh khi đưa các con đi học trở lại.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị hai tỉnh An Giang và Kiên Giang quan tâm, chỉ đạo để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó lưu ý chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giáo viên dạy các môn học mới, các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp học tiểu học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước