Đảm bảo mục tiêu và yêu cầu khi triển khai thí điểm học bạ số

Khánh Nguyễn (t/h)-Chủ nhật, ngày 29/12/2024 05:55 GMT+7

Các đại biểu dự hội nghị.

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng vừa tham dự hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thí điểm học bạ số cấp Tiểu học.

Ngày 11/2/2024 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, Bộ GD&ĐT thực hiện thí điểm học bạ số năm học 2023-2024, triển khai đại trà từ năm học 2024-2025.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương, kịp thời triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học ở tất cả các địa phương trên toàn quốc. Trong quá trình triển khai, Bộ GD&ĐT đặt ra yêu cầu thực hiện với 50% số cơ sở giáo dục, tuy nhiên nhiều tỉnh/thành đã tích cực thực hiện thí điểm ở 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Nhấn mạnh đây là nội dung khó, phức tạp và có tác động lớn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu việc triển khai cần hết sức thận trọng, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra, chỉ đạo quyết liệt nhưng kỹ lưỡng. Trong đó, việc đánh giá kết quả cần căn cứ theo mục đích yêu cầu của kế hoạch cũng như triển khai trên thực tế ở các địa phương.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm học bạ số ở cấp Tiểu học, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện thí điểm ở cấp trung học và giáo dục thường xuyên. Lấy kết quả, kinh nghiệm phù hợp khi triển khai thí điểm ở cấp tiểu học để áp dụng vào thí điểm cấp trung học, giáo dục thường xuyên trên tinh thần sử dụng, quản lý an toàn, không phát sinh chi phí, bài bản, hiện đại.

Báo cáo tại đây, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, đến nay, quá trình thí điểm học bạ số đã đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch, làm cơ sở để tiến tới hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc.

Việc đầu tư thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hệ thống học bạ số tại cơ sở giáo dục không đòi hỏi kĩ thuật phức tạp, chi phí tốn kém. Việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật vận hành cho giáo viên, nhân viên, CBQL là đơn giản, thuận lợi.

Quá trình thí điểm học bạ số đã cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh cấp Tiểu học. Cụ thể, tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số; kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành. Kết quả thí điểm học bạ số cho thấy khả năng đáp ứng tốt mục đích, yêu cầu và nội dung thí điểm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương phải bám sát Đề án 06 của Chính phủ và kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Phải gắn kết chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện. Sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đóng vai trò quan trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước