Xôn xao chuyện "phụ huynh khó khăn đừng theo lớp này"
Lâu nay, nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh tại các trường học góp phần kết nối phụ huynh trong lớp, đồng hành các con ở nhà trường, đồng thời giúp giáo viên và nhà trường trong việc dạy và học tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian qua liên tục xuất hiện các vụ việc các đề xuất nhiều khoản thu gây tranh cãi. Thậm chí một phụ huynh còn phát biểu trong một cuộc họp rằng: "Phụ huynh khó khăn đừng theo lớp này".
Đó là những thông tin đã gây xôn xao trên mạng xã hội, gây ra sự bức xúc và những hiểu nhầm đáng tiếc. Sự việc này xảy ra tại trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Phòng Giáo dục quận đã có chấn chỉnh.
Chị Thủy, phụ huynh học sinh lớp 3.10 trường Tiểu học An Hội, người được ban đại diện phụ huynh lớp nhắc đến trong clip, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đăng ký cho con học lớp bán trú tại trường và đóng tiền hàng tháng cao hơn lớp học 1 buổi. Chị cho biết, Ban đại diện phụ huynh lớp băn khoăn những trường hợp khó khăn như nhà chị có nên cho con theo học lớp bán trú hay không, hoặc chọn lớp học 1 buổi để không phải đóng tiền ăn uống.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh trong trường cho rằng, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh là kết nối hỗ trợ học sinh và nhà trường. Việc vận động phụ huynh đóng tiền ủng hộ lớp để mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú theo cách cào bằng, hoặc nói phụ huynh chọn lớp khác là chưa phù hợp.
Anh Phạm Đức Duẩn - Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh - cho hay: "Phụ huynh chưa làm tốt trách nhiệm của ban đại diện phụ huynh, vận động thu chi cào bằng là không đúng chính sách, trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh".
Anh Huỳnh Tú Tâm (phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Khi đi học các em đều mặc chung một màu áo đồng phục của trường. Phụ huynh và nhà trường phải làm cho các con hiểu được sự bình đẳng, không nên để các con hiểu nhầm chuyện tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến việc học".
Ban giám hiệu trường cho biết, đã nhận được thông tin Ban phụ huynh lớp vận động phụ huynh ủng hộ tiền trái quy định thông tư 55/Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị lớp bầu ban đại diện cha mẹ học sinh mới.
Trong chiều nay (19/10), Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp có cuộc họp chung với các Hiệu trưởng, yêu cầu toàn bộ hiệu trưởng các trường, giám sát hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, tránh việc ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện trái quy định, gây ảnh hưởng đến trường lớp và chất lượng dạy học của thầy trò.
Vai trò của ban phụ huynh trong các trường học
Trước tình trạng nhiều sự việc xảy ra về các khoản thu gây tranh cãi của ban đại diện phụ huynh học sinh tại các trường, Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiến hành rà soát các khoản thu chi này. Những khoản thu nào không trong quy định sẽ xử lý triệt để. Sở Giáo dục và Đào tạo TP cũng sẽ chấn chỉnh hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Các đoàn kiểm tra sẽ được thành lập để kiểm tra tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố liên quan đến các khoản thu chi đầu năm.
Ban đại diện phụ huynh đã được quy định trong Luật Giáo dục. Việc có ban đại diện phụ huynh góp phần là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, với những những tranh cãi về các khoản thu - chi, cũng có câu hỏi đặt ra về vai trò thực sự của các Hội đại diện cha mẹ học sinh tại các trường học hiện nay. Làm thế nào để các hội phụ huynh hoạt động đúng, đóng vai trò đồng hành cùng với nhà trường trong hoạt động dạy và học? Các chuyên gia đã cho ý kiến về vấn đề này.
Là Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, Tp Hồ Chí Minh), ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết nếu họ làm đúng chức năng vai trò đồng hành nhà trường dạy học sinh. Tuy nhiên, một số nơi hiểu chưa đúng và làm chưa đúng, dẫn đến xã hội có cái nhìn tiêu cực về ban đại diện phụ huynh. "Ban đại diện cha mẹ học sinh là để phối hợp trong công tác giáo dục chứ không phải để trục lợi, một số trường làm không đúng" - ông Phú nhận định.
Theo các chuyên gia giáo dục, sự kết hợp chặt chẽ của 3 bên gia đình - nhà trường - xã hội rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Nhiều người có chuyên môn nhưng chưa thấy cơ hội hoặc khả năng đóng góp của mình cho nhà trường hoặc trường không tạo cơ hội cho phụ huynh cơ hội cởi mở để tham gia hoạt động ở trường. Điều này là do không có sự kết nối sâu sắc giữa phụ huynh và nhà trường.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân - chuyên gia huấn luyện và đào tạo: "Phải làm sao để có một hội phụ huynh tốt? Đầu năm, giáo viên có thể làm khảo sát để xem phụ huynh có chuyên môn là gì, có thể đóng góp gì cho lớp, cho trường. Từ đó, mời phụ huynh tâm huyết tham gia".
Hiện nay, một số ít trường không tổ chức ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng các phụ huynh vẫn kết nối sâu sắc với nhà trường và học sinh ngoài giờ học ở trường. Học trò được học những bài học trực quan qua chính sự kết nối của cha mẹ, thầy cô.
Thạc sĩ Lương Dũng Nhân - Giám đốc Đào tạo trường ATY TP Hồ Chí Minh: "Trường chúng tôi tạo điều kiện cho các phụ huynh có năng lực tham gia hỗ trợ trong tất cả các hoạt động giáo dục và ngoại khóa của trường. Điều đó khiến các phụ huynh rất vui và sẵn sàng tham gia".
Theo các chuyên gia, khi xã hội thay đổi và học sinh chịu nhiều áp lực, vai trò của ban phụ huynh là rất quan trọng trong các trường học. Điều này đã quy định rõ trong Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vai trò của phụ huynh trong hoạt động dạy và học.
Tuy nhiên, chính Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm ở các trường phải có sự định hướng rõ ràng, sâu sát để ban phụ huynh phát huy tốt vai trò của mình, đồng hành và hỗ trợ nhà trường trong giáo dục học sinh, tránh hiểu sai và làm không đúng vai trò chức năng của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!