Thăm ngôi làng của những "nghệ sỹ chân đất"

Văn Quân-Thứ ba, ngày 01/10/2013 10:15 GMT+7

 Những người nông dân chân lấm tay bùn ở làng Then (xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang) đã tạo ra một "kỷ lục" khi sở hữu những kỹ thuật điêu luyện của violon - loại hình âm nhạc vốn được coi là hàn lâm bác học và chỉ dành cho giới thượng lưu...

Ông Hà Văn Chính đang giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của làng Then

Từ âm nhạc về làng...

Bây giờ thì làng Then đã khá nổi tiếng khi khả năng chơi violon của những "nghệ sỹ chân đất" đã từng được lên chương trình Chuyện lạ Việt Nam rồi vào tận bán kết chương trình Vietnam's Got Talen cách đây chưa lâu. Nhưng lùi xa thời gian về dĩ vãng, ít ai biết rằng, từ năm 1935 của thế kỷ trước, violon đã được những người dân nơi đây chơi và duy trì đến bây giờ. "Chơi rồi mê đắm lúc nào không hay, một người dạy cho một người, có thời điểm, hầu hết đàn ông làng Then đều biết chơi loại nhạc cụ này. Làng quê có văn hóa từ lâu đời, các loại nhạc cụ dân tộc khác như đàn bầu, nhị, sáo… nhiều người cũng biết chơi những không hiểu sao, violon lại chinh phục được số đông người dân đến như vậy." - ông Hà Văn Chính, đội phó đội văn nghệ làng Then chia sẻ.

Cũng theo ông Chính, người có công đưa violon về với làng then đầu tiên là cụ Nguyễn Hữu Đưa, năm nay đã gần 80 tuổi. Và để "cụ thể hóa" những tài liệu về sự ra đời của phong trào chơi violon của làng, ông Hà Văn Chính mở tủ, lấy ra một tập tài liệu giới thiệu với chúng tôi. Theo tài liệu đang được lưu giữ, năm 1935, lúc này ở trong làng có phường bát âm gồm có bốn người đàn ông rất đam mê âm nhạc. Trong đó có người thanh niên Nguyễn Hữu Đưa, đã từng được lên Hà Nội, được làm quen với Violon (lúc đó thậm chí loại nhạc cụ này còn xa lạ với nhiều người thành phố).

Chơi thử và như bị thứ âm nhạc mới mẻ này bỏ "bùa mê thuốc lú", Nguyễn Hữu Đưa về làng mà vẫn tơ tưởng đến âm thanh réo rắt du dương của violon. Một thời gian sau, Pháp lập bốt ở xã Thái Đào cách làng Then chừng vài trăm mét thì 4 người thanh niên và dân làng đã lập thành một đội văn nghệ, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn thôn toàn xóm. Năm 1955, hòa bình lập lại đội văn nghệ cử hai người, trong đó có Nguyễn Hữu Đưa ra Hà Nội đặt mua một số nhạc cụ như măngđôlin, sáo trúc, ghita,... để phục vụ luyện tập.

Nhân cơ hội này, anh thanh niên Nguyễn Hữu Đưa đã đưa violon vào danh sách những loại nhạc cụ cần mua và cần phổ biến. Lúc này, đội văn nghệ của làng đã lên đến 40 người và theo chính ý kiến của cụ Nguyễn Hữu Đưa thì đàn violon là loại khó sử dụng nhất nhưng cũng lôi cuốn mọi người luyện tập nhất. Sau đó đội văn nghệ đã mời thầy giáo chuyên nghiệp ở Hà Nội, rồi ở Ty Văn hóa về giảng dạy. Mất khoảng vài năm, ở làng Then, hầu như nhà nào cũng có người biết chơi violon và vào làng Then, khách phương xa sẽ luôn được nghe những âm thanh réo rắt, nhộn nhịp như lạc vào một khung cảnh lễ hội hoặc một buổi hòa nhạc nào đó.

...đến ước muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo

Cùng ông đội phó đội văn nghệ làng Then đi dọc đường làng ra nhà văn hóa thôn, chúng tôi thi thoảng vẫn nghe đâu đó tiếng réo rắt của violon, khi thì Bèo dạt mây trôi lúc lại Bóng cây Kơnia nghe đầy thú vị xen lẫn tò mò. Ông Chính cho biết: "Học violon rất khó, muốn chơi thành thục, người học cũng phải khổ luyện ít nhất vài năm. Nhưng không hiểu sao ai cũng yêu và muốn học. Nếu tính sơ sơ, làng tôi bây giờ phải có trên 200 người biết chơi loại nhạc cụ này. Chúng tôi chẳng biết lí do vì sao, mà có lẽ cũng vì lí do duy nhất là tình yêu thôi anh ạ".

‘ Ông Hà Văn Chính đang trao đổi với PV

Ông Chính bảo, có lẽ ở Việt Nam, không có ngôi làng nào mà âm nhạc tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống như làng Then quê ông. Ngày mùa, tay cày tay bừa, xen lẫn tiếng cười nói là những âm thanh réo rắt của violon từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, những đêm trăng sáng, nhưng buổi trưa hè, lúc nào cũng có thể bắt gặp được những âm thanh du dương trầm bổng. Thậm chí, nhiều chàng trai làng Then đã nhờ "biệt tài" chơi violon mà đã cưới được vợ. Cưới vợ người làng không nói, nhiều chàng trai còn cưới vợ được từ những địa phương khác như thị trấn Lạng Giang, TP Bắc Giang là cũng nhờ… violon.

Nhưng có một điều ai cũng biết rằng, violon là một loại nhạc cụ… không rẻ. Một chiếc đàn tầm tầm cũng vào cỡ 5 - 7 triệu. Chính vì vậy mà đàn ông làng Then, thời gian trước, cũng có một vài người bị vợ con phản đối khi quá đắm đuối với thứ chơi xa xỉ này. "Ông Vượng, ông Nam, ông Khoa… người thì bán cày bán bừa, người thì bán cả trâu cả lợn để sắm violon. Vợ con kêu dữ lắm nhưng rồi lại ủng hộ anh ạ". Ông Chính nói thêm, khi sắm một cây đàn, nếu bảo quản tốt sẽ chơi được trong một thời gian dài, mà có đàn violon thì đàn ông sẽ ít nhậu nhẹt, trong nhà ít có tiếng cãi vã, xích mích, chính âm nhạc đã làm "mềm" không khí của cuộc sống ngột ngạt vất vả. Những người vợ, người phụ nữ, họ nhạy cảm, chính họ sẽ là người nhận ra những điều ấy đầu tiên nên dần dần, ai cũng ủng hộ.

Chính vì sự ủng hộ và cổ vũ của mọi tầng mọi lớp trong làng mà đội văn nghệ của làng Then mới được duy trì và phát triển cho đến tận hôm nay. "Tháng 5 năm 2007, một quỹ của Thụy Điển đã đầu tư 70 triệu đồng để củng cố nhạc cụ, khôi phục cho sự phát triển của đội văn nghệ làng Then. Nhờ đó, chúng tôi đã mua được 50 chiếc đàn mới phân phát cho các thành viên bảo quản. Dù mưa nắng hay điều kiện khó khăn như nào, chúng tôi vẫn duy trì một tuần hai buổi sinh hoạt âm nhạc của đội văn nghệ".

Hiện nay, có rất nhiều con em của làng Then đang là sinh viên của các trường nghệ thuật như: Nhạc viện Hà Nội, Đại học Nghệ thuật Quân đội và trong số đó, có không ít người đang theo học violon - "đặc sản" của chính làng quê mình. Ông Chính nói vui rằng, ở làng Then, nếu chưa đánh được khoảng 10 tác phẩm violon trở lên thì vẫn chưa được gọi là "dân gốc". Chơi violon, nó như một thước đo cho thương hiệu người làng Then. Thậm chí có chuyện rằng, cụ Trần Văn Chúc, một tay đàn cự phách, tuổi cao gặp cơn ốm nặng đã gọi các con đến mà bảo: "Cả đời ta chẳng có gì ngoài bốn cây đàn violon. Nhưng ta thấy thế là vui lắm. Nó như tri kỷ của ta vậy. Nếu sau này khuất núi, các con cứ chôn một chiếc đàn đi cùng theo ta, thế là ý nguyện của ta đã thỏa". Nhắc lại câu chuyện này, ông Hà Văn Chính cười bảo với tôi, có lẽ chẳng có vùng quê nào có sự thú vị giống như làng Then quê ông!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước