Hiện tại, du lịch miền Trung đang diễn ra tình trạng thiếu sản phẩm du lịch đặc thù, song lại thừa những sản phẩm du lịch bị trùng lặp. Các sản phẩm du lịch này khiến cho sức hút du khách đến với miền Trung chưa thực sự mạnh mẽ. Tháo gỡ bài toán đơn điệu của sản phẩm đang được các tỉnh miền Trung tính đến với mục đích tạo diện mạo mới trong bức tranh du lịch.
‘ Bãi biển Lăng Cô - Huế (Ảnh minh họa)
Sở hữu 1.430 km bờ biển, chiếm gần một nửa bờ biển cả nước, do vậy nói tới du lịch miền Trung là nói đến du lịch biển. Nhưng những sản phẩm du lịch biển của các địa phương không có gì khác biệt rõ rệt, ngay cả những nhà làm du lịch có tên tuổi cũng thừa nhận thực tế rất khó khăn để tạo ra sự khác biệt giữa các khu du lịch biển dọc miền Trung.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tạo sự khác biệt chính là bề dày văn hóa của mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Tuy nhiên, yếu tố văn hóa chưa được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch. Du lịch văn hóa ở miền Trung chỉ mới được biết đến bằng những di tích, vật thể văn hóa được xây dựng trở thành điểm đến, kết nối với tour du lịch biển đảo.
TS. Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho biết: “Văn hóa biển duyên hải miền Trung với nhiều điểm tương đồng như tục thờ cúng Cá ông, hò bá trạo… thường được tổ chức thành những sự kiện, tuy nhiên để đưa vào trích đoạn thì chưa nhiều vì đây là lễ hội cộng đồng, người ta thấy khó khi đưa vào khai thác phục vụ du khách”.
Bên cạnh những yếu tố khách quan là hạn chế về hạ tầng, nguồn lực, việc thiếu sự hoạch định về mặt chiến lược hay nói cách khác là kiểu làm du lịch ngắn hạn chưa có tầm nhìn xa chính là nguyên nhân dẫn đến miền Trung chưa có sản phẩm du lịch đặc thù.
Hình thức liên kết du lịch trong thời gian qua được hi vọng sẽ tháo gỡ sự trùng lặp sản phẩm du lịch nhưng liên kết du lịch còn mang tính hình thức. Điều này dẫn đến nhiều hoạt động du lịch tại các địa phương vẫn tổ chức trùng lặp về nội dung, gần nhau về thời gian.
‘ Du lịch kết nối du lịch các tỉnh miền Trung cần được phát huy một cách mạnh mẽ để ngày càng phát triển không chỉ về tự nhiên mà còn về văn hóa. (Ảnh minh họa: Cinet)
Theo thống kê, số ngày lưu trú của du khách ở miền Trung ở mức thấp chỉ 2 ngày. Điều này cho thấy, sức hút của sản phẩm du lịch miền Trung còn nhiều hạn chế mà để thay đổi, trước hết cần hiểu đúng nghĩa về sản phẩm du lịch.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Sản phẩm du lịch còn được kết hợp bởi nhiều sản phẩm của các ngành khác, nói cách khác là sản phẩm của các ngành hỗ trợ. Cần phải phát triển ngành du lịch đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu của du khách thì mới có thể phát triển một cách bền vững được”.
Các nhà quản lý kinh tế du lịch cho rằng: Đối với miền Trung, để sản phẩm du lịch tránh trùng lặp, tính liên kết trong hoạt động du lịch cần được thực hiện mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khái niệm liên kết vùng cần được các nhà làm du lịch hiểu và thực hiện một cách linh hoạt.
Với địa bàn trải dài do vậy việc liên kết tất cả các tỉnh khu vực miền Trung lại với nhau trong phát triển du lịch là rất khó khăn mà sự liên kết có thể theo từng cụm. Bên cạnh việc liên kết du lịch giữa các tỉnh lại với nhau, điều cần thiết đối với du lịch miền Trung là cần làm du lịch và làm kinh tế một cách lâu dài, tránh tâm lý thời vụ và các sản phẩm du lịch cần được đầu tư một cách nghiêm túc nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.