Làng chiếu Định Yên nằm e ấp bên dòng kênh Lấp Vò, êm đềm giữa tứ bề xanh ngát. Sự lưu truyền, kế thừa nghề dệt qua nhiều thế hệ người dân ở đây, đã góp vào không gian làng nghề truyền thống Đồng Tháp những sắc màu văn hóa lung linh, rực rỡ.
Phút nghỉ ngơi khi thu hoạch cỏ lác
Theo các nghiên cứu, cư dân nơi đây có gốc gác từ đồng bằng ven biển Bắc bộ, có thể là Thái Bình và Nam Định. Khi vào Nam, họ mang theo nghề dệt chiếu truyền thống và phát triển mạnh tại địa phương này.
Khác với nguyên liệu làm chiếu ở Bắc bộ làm từ cây cói, nguyên liệu chính để dệt chiếu tại Định Yên là cỏ lác, một loại cỏ mọc tự nhiên ở những vùng đất đồng bãi. Người dân thu hoạch cỏ lác, phơi khô rồi đem nhuộm chúng.
Quá trình nhuộm màu cũng là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo và giàu kinh nghiệm của người thợ. Sau khi nhuộm, cỏ lác được phơi nắng thêm một buổi trước khi bước vào công đoạn dệt.
Để làm ra một chiếc chiếu đẹp, phải kể đến kỹ thuật dệt, kể đến kỹ năng và bí quyết riêng giúp sản phẩm bền chắc, ít phai màu, có tính thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày một cao. Chiếu Định Yên nổi tiếng sắc sảo trong từng chi tiết, cộng với giá cả hợp lý nên có mặt khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đến với làng chiếu Định Yên, du khách sẽ thấy làng nghề vẫn duy trì và phát triển nghề truyền thống dệt thủ công song hành cùng với máy móc và công nghệ sản xuất hiện đại. Những chiếc máy dệt tự động đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy thu nhập của người dân nơi đây.
Những sản phẩm rực rỡ sắc màu, trải nghiệm không khí lao động nhộn nhịp, cảm nhận sự ấm áp, gần gũi của người dân vùng sông nước, đây cũng chính là sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn đông đảo du khách gần xa.
Năm 2013, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bạn hãy thử một lần về thăm làng chiếu Định Yên, chiêm ngưỡng sắc màu rực rỡ nơi sông nước này nhé!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!