Có lẽ trên thế giới, chưa có một làng chài nào lại nằm giữa một vùng cảnh quan thiên nhiên đẹp và thơ mộng như vịnh Hạ Long. Phiêu bồng và ngỡ ngàng sẽ là cảm nhận đầu tiên khi lạc vào thế giới cổ tích này, với những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ của tạo hóa. Những đảo đá muôn hình muôn vẻ nhấp nhô trên sóng nước, một bức tranh thủy mặc vừa huyền ảo, vừa sống động, vừa kỳ vĩ vừa duyên dáng.Và ngay khi cái vẻ đẹp gần như hoàn mỹ vịnh Hạ Long đã thấm đầy trong cảm nhận của mỗi người, thì một không gian đầy màu sắc bất ngờ hiện ra. Một ngôi làng chài bồng bềnh giữa lòng vịnh. Đó là làng chài Cửa Vạn.
‘ Làng chài Cửa Vạn nổi tiếng trên Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Nếu như vịnh Hạ Long là khu vườn của những lâu đài tạo hóa giữa trần gian, thì làng chài Cửa Vạn thực sự là một kỳ quan độc đáo của những ngư dân… Nó độc đáo bởi cách sống của những con người trên lòng thuyền, trong những ngôi nhà nổi dập dềnh tựa lưng vào vách núi. Họ mang trong mình những nét văn hóa biển rất khác biệt và chính họ đã hoàn thiện vẻ đẹp của vịnh Hạ Long.
Ít ai không ngạc nhiên và xúc động khi nhìn thấy cảnh những em học sinh tiểu học tíu tít chèo thuyền để đến trường. Có những bé chỉ chừng 5,6 tuổi nhưng tay chèo đã rất cứng cáp và thuần thục. Bởi sóng nước đã quá quen thuộc với các em. Có những em còn chưa một lần biết đến đất liền, chưa một lần nghe thấy tiếng trống trường giòn giã. Nhưng những hình ảnh tíu tít chở nhau đi học như thế chắc hẳn sẽ khiến những bạn đồng lứa trên đất liền thán phục. Mỗi buổi sáng sớm, tiếng nô đùa hồn nhiên và tiếng mái chèo khua nước của những đứa trẻ rộn rã cả một vùng…
‘ Những đứa trẻ ở làng chài Cửa Vạn ngày ngày vẫn "tìm chữ" trên những con nước.
Những đứa trẻ làng chài không chỉ khát nước ngọt mà còn “khát” chữ. Với quan niệm cha truyền con nối rằng biển chỉ cần người chài lưới giỏi, bao thế hệ ngư dân ở đây đã sống với biển mà không cần biết mặt chữ. Mãi đến năm 2001, được sự tài trợ của một tổ chức phi chính phủ, lớp học đầu tiên được dựng lên và trẻ em mới được đến trường. Tuy vật chất thiếu thốn nhưng sự quan tâm, yên mến của dân làng, của học sinh đã níu chân các cô giáo trẻ ở lại với những lớp học đặc biệt này để rồi cứ thế, tiếng đọc bài ê a vẫn ngày ngày vang lên giữa trập trùng sóng nước.
Làng chài Cửa Vạn ôm ấp cả một kho tàng lịch sử địa chất phong phú, ẩn chứa lịch sử văn hóa lâu đời bậc nhất của đất nước ta… Những bí ẩn của một nền văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của những cư dân biển thời tiền sử đã được nhiều nhà khoa học tìm ra khi khai quật một số hang động gần làng chài Cửa Vạn, trong đó có hang Tiên Ông. Các hang động ở đây cho thấy văn hóa Hạ Long có nguồn gốc bản địa, do nhiều yếu tố cấu thành và là kết quả của sự giao lưu, trao đổi với các nền văn hóa khác. Và sự khám phá trong những hang động ở vùng vịnh này cũng chứng tỏ một quy luật trong sự chọn lọc tự nhiên.
Làng chài Cửa Vạn không đơn thuần là một cảnh đẹp, nó còn là một nét tâm hồn của những người ngư dân vùng vịnh này. Những chủ nhân của một vùng biển cả kỳ vĩ, những tâm hồn khỏe khoắn và trong veo như sóng nước, những trái tim luôn nồng ấm và đôn hậu.
Hạnh phúc giản dị là những mái ấm bồng bềnh trên sóng, là những câu hát dân ca ngọt ngào, là giai âm tuổi thơ được thỏa thuê ngụp lặn dưới làn nước xanh mát, là gương mặt con trẻ rạng rỡ, là hình ảnh những người già thư thái và lạc quan, là nét thanh bình, thơ mộng của cảnh quan thiên nhiên và nhịp sống nơi đây… Làng chài Cửa Vạn khiến cả thế giới biết thêm một lần nữa về vẻ đẹp và bề dày văn hóa của vịnh Hạ Long.