Trong quý III, đồng Baht Thái đã tăng mạnh tới hơn 13% so với đồng USD trước dự đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, đồng thời các quỹ nước ngoài liên tục đổ tiền vào trái phiếu và cổ phiếu của Thái Lan. Tỷ giá có lúc xuống còn 32,39 Baht đổi 1 USD. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu xuất ngành khẩu và du lịch, hai trụ cột của nền kinh tế.
Ngày 30/9, Ngân hàng Trung ương Thái Lan tuyên bố can thiệp hỗ trợ tỷ giá bằng cách bán ra Baht, mua vào đồng USD.
Ông Aris Dacanay - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho biết: "Chúng tôi ước tính, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã mua vào khoảng 5 tỷ USD để can thiệp tỷ giá. Đây là động thái mang tính hỗ trợ tâm lý".
Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương Thái Lan ước tính số lượng khách du lịch nước ngoài tới nước này trong tháng 8 sau khi điều chỉnh đạt 3 triệu lượt khách, giảm 0,1% so với tháng trước đó. Chi tiêu của khách du lịch 8 vẫn ổn định, trong khi đó lượng du khách quốc tế trong tháng 9 có dấu hiệu cải thiện.
Khách du lịch tham quan thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
"Dù có những lo ngại về tác động của 1 đồng Baht mạnh, song tôi cho rằng trong bối cảnh lạm phát Thái Lan thấp, quanh mức 1% như hiện nay thì đồng nội tệ mạnh cũng không ảnh hưởng quá lớn tới tính cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hoá và thu hút khách quốc tế tới nước này", ông Aris Dacanay - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định.
Các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ hạ lãi suất thời gian tới để nới lỏng tín dụng, qua đó cũng giảm bớt áp lực lên đồng Baht.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!