WHO đẩy nhanh quy trình cấp phép vaccine Ebola đầu tiên

TTXVN-Thứ tư, ngày 13/11/2019 21:55 GMT+7

Vaccinen Ervebo được EU cấp phép lưu hành để phòng ngừa bệnh Ebola. Ảnh: Reuters

VTV.vn - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đây là "bước đi lịch sử", mở ra cơ hội phòng và chữa trị căn bệnh Ebola.

Ngày 12/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã đánh giá tiền lâm sàng lần đầu tiên đối với một loại vaccine phòng bệnh do virus Ebola gây ra, nhấn mạnh đây là một bước chủ chốt tiến tới cấp phép cũng như sự tiếp cận và lưu hành loại vaccine này tại các quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch.

Trong thông báo, WHO nêu rõ đây là quy trình đánh giá tiền lâm sàng đối với vaccine nhanh nhất mà WHO từng thực hiện từ trước đến nay. Thông báo nhấn mạnh "đánh giá tiền lâm sàng nghĩa là vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về chất lượng, an toàn và hiệu quả".

Thông báo trên của WHO được đưa ra sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) ngày 11/11 đã cho phép lưu hành trên thị trường vaccine tiêm Ervebo phòng Ebola - sản phẩm được phòng thí nghiệm Merck Sharpe và Dohme (MSD) của Mỹ nghiên cứu và sản xuất. Trước đó, ngày 18/10, vaccine này đã được Cơ quan y tế châu Âu "bật đèn xanh".

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đây là "bước đi lịch sử" mở ra cơ hội phòng và chữa trị căn bệnh nguy hiểm này. Theo ông, 5 năm trước, thế giới không có vaccine cũng như phác đồ điều trị Ebola. Với việc Ervebo được đánh giá tiền lâm sàng, giờ đây Ebola là căn bệnh phòng ngừa và chữa trị được.

Vaccine Ervebo đã được chứng minh có hiệu quả trong việc bảo vệ con người khỏi nhiễm virus Ebola. Nhóm chuyên gia Tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO đã khuyến nghị sử dụng vaccine này. Theo WHO, việc chính thức cấp phép cho vaccine Ervebo có thể sẽ diễn ra vào giữa năm 2020 và WHO đang thúc đẩy để loại vaccine này có thể sớm được cấp phép và đưa vào sử dụng ở những nước có nguy cơ bùng phát Ebola, đặc biệt là các nước châu Phi.

Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Kể từ khi đợt dịch Ebola gần đây nhất bùng phát hồi tháng 8/2018 tại CHDC Congo, khoảng 2.190 người đã được xác nhận mắc bệnh trong số 3.290 trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Hiện một loại vaccine khác do hãng Johnson & Johnson phát triển vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước