Vì sao thỉnh thoảng ta lại quên điều mình vừa định nói?

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 15/08/2019 12:00 GMT+7

VTV.vn - Quên một việc gì đó hoặc quên điều định nói – ai cũng có lần gặp phải sự cố như vậy.

Bạn đã có lần nào đi vào một căn phòng rồi không thể nhớ ra đi vào đó để lấy thứ gì chưa? Chúng ta rất dễ bị như vậy khi mà trong đầu nghĩ đến nhiều thứ cùng một lúc hoặc làm đôi ba việc cùng một lúc, ví dụ vừa tán chuyện với bạn bè vừa sang đường, hay là vừa đi quanh phòng vừa bấm điện thoại hay máy tính bảng chẳng hạn. Ai cũng có lần như vậy và càng lớn lên thì bạn sẽ càng dễ dàng làm được hai việc tương tự nhự vậy cùng một lúc.

Tuy vậy, cho dù bộ não thực sự là một chiếc máy tính rất thông minh, có thể nói là thông minh hơn bất kì chiếc máy tính nào khác, nhưng tại cùng một thời điểm bộ não cũng chỉ có thể sử dụng một lượng năng lượng thần kinh nhất định để điều khiển cơ thể.

Vì sao thỉnh thoảng ta lại quên điều mình vừa định nói? - Ảnh 1.

Bộ não chúng ta giống như một trạm điện cung cấp năng lượng cho nhiều việc chúng ta đang cố gắng làm.

Bộ não là một trạm cấp điện

Hãy hình dùng bộ não của bạn giống như một trạm cấp điện cho một số thành phố. Nếu một vài thành phố cần vô cùng nhiều điện (để bật hết đèn lên chẳng hạn) thì các thành phố khác sẽ phải giảm sử dụng điện vì chỉ có từng đấy điện cho tất cả các thành phố mà thôi.

Tương tự như vậy, bộ não cũng chỉ có từng đấy năng lượng để chia sẻ cho tất cả các bộ phận vào cùng một thời điểm. Trẻ nhỏ thì não chưa phát triển hết và có ít năng lượng thần kinh hơn so với trẻ lớn; thiếu niên thì không bằng người lớn.

Trở lại với câu hỏi về việc quên các thứ, người lớn có nhiều năng lượng thần kinh hơn để thực hiện các công việc khác nhau.

Trẻ em cũng có thể làm đôi ba việc cùng một lúc, nhưng một số nghiên cứu cho thấy trẻ em không làm tốt bằng người lớn, và trẻ nhỏ không làm tốt bằng trẻ lớn.

Vì sao vậy? Đó là vì trạm điện trong não trẻ nhỏ bé hơn và không cung cấp nhiều năng lượng bằng não trẻ lớn.

Thực hành sẽ giúp đạt được thành công

Chúng ta càng thực hành kĩ năng nhiều (như là đi xe đạp, tập một môn thể thao, nướng một loại bánh) thì chúng ta càng làm được thêm việc khác cùng một lúc tốt hơn.

Ví dụ như một vận động viên thể thao thành thục (một cầu thủ bóng đá chẳng hạn) hoàn toàn có thể vừa tâng bóng vừa tán chuyện với bạn bè một cách dễ dàng.

Đó là vì kĩ năng chơi bóng của cầu thủ đó đã thành thạo đến mức gần như là tự động và cầu thủ đó không cần nhiều năng lượng thần kinh để điều khiển động tác tâng bóng, mà dành năng lượng cho các việc khác.

Nhưng với một người chỉ chú tâm vào việc học, thì động tác tâng bóng sẽ đòi hỏi rất nhiều năng lượng thần kinh đến mức người đó khó có thể vừa chơi bóng vừa nói chuyện.

Vậy thì tại sao có lúc chúng ta lại quên mất điều mình vừa định nói?

Câu trả lời là bởi trước khi nói ra điều đó, bạn lại đang làm cùng một lúc đôi ba việc khác.

Rất có thể đó là vì bạn đang nghĩ về những lời lẽ định nói và về một điều gì khác nữa cùng một lúc, hoặc là bạn đang tập trung nghe và cũng muốn nghĩ về điều định nói.

Đôi khi bộ não của bạn không thể làm hai việc khó cùng một lúc. Bạn không có đủ năng lượng thần kinh vào thời điểm đó.

Quên là rất bình thường đối với tất cả mọi người và có thể xảy ra khi bạn làm quá nhiều việc cùng một lúc. Nếu khi nào bạn gặp sự cố như vậy, hãy hít một hơi thật sâu và thư giãn. Có thể những lời bạn định nói mà quên mất thì một lúc sau bạn sẽ nhớ ra vì khi đó đầu óc bạn đã được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước