Với thông điệp "Trọn chất Việt - vẹn tinh hoa", dự án "Từ làng ra phố" được thực hiện bởi nhóm sinh viên khóa 42 và 43 thuộc khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm quảng bá giá trị văn hóa của các làng nghề thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội tới người nước ngoài.
Dự án tập trung khai thác 6 sản phẩm làng nghề chính bao gồm: con dấu khắc, mây tre đan, tranh sơn mài, giấy dó, chuồn chuồn tre và tò he. Với mỗi làng nghề, các thành viên đều di chuyển đến tận nơi để quan sát và phỏng vấn các nghệ nhân. Qua đó, đội ngũ có thể hiểu rõ hơn về tính chất của nghề thủ công truyền thống, đồng thời ghi nhận các thông tin chính xác nhất.
Qua việc thăm quan và trực tiếp thực hiện sản phẩm, các thành viên của dự án hiểu được quy trình và tinh thần của các nghề thủ công truyền thống (Ảnh: Từ làng ra phố)
Về ý nghĩa tên gọi, đội ngũ cho biết, "làng" và "phố" là hai hình ảnh với nét đối lập. "Làng" là cái nôi của sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ngược lại, hình ảnh của "phố" là hiện đại và tiên tiến. Việc "phố" phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với giá trị truyền thống có thể trở nên nhạt nhòa trong góc nhìn của các thế hệ.
Như vậy, "Từ làng ra phố" có thể hiểu là quá trình đem những sản phẩm thủ công từ các làng nghề ra phố thị, vừa giữ gìn cái nghề của ông cha, vừa phục vụ cuộc sống và làm giàu cho quê hương. Bên cạnh đó, "Từ làng ra phố" mang hàm ý lan tỏa văn hóa làng nghề thủ công ra thế giới, trở thành dấu ấn riêng biệt khi nhắc đến Việt Nam.
Nhiều người nước ngoài tỏ ra thích thú với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam (Ảnh: Từ làng ra phố).
Chia sẻ về lý do thực hiện, bạn Dương Thị Ngọc Anh - Trưởng dự án - nhận thấy các làng nghề thủ công đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền: "Trong thời hiện đại, với sự lên ngôi của công nghệ, các làng nghề thủ công đang có xu hướng bị mờ nhạt đi. Song các làng nghề này lại chứa đựng yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt. Mình tin rằng thế hệ trẻ như chúng mình cần có ý thức giữ gìn và lan tỏa bản sắc đất nước".
Ngoài ra, Ngọc Anh cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc mang tinh hoa Việt Nam ra thế giới cũng là một điều cần thiết để tạo một Việt Nam "đậm đà" hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Hiện nay, dự án đang được truyền thông trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội với các nội dung về văn hóa truyền thống. Sắp tới, dự án sẽ được quảng bá trực tiếp tại các khu vực có nhiều người nước ngoài với sổ tay du lịch làng nghề, hứa hẹn lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hóa Việt tới cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!