Trẻ bị suy dinh dưỡng. Hình minh họa. (Ảnh: newvision.co.ug)
Kết quả trên được đưa ra trong báo cáo Thực trạng trẻ em thế giới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 15/10.
Báo cáo chỉ rõ số trẻ suy dinh dưỡng ở các nước nghèo đã giảm 40% từ năm 1990-2015, song hiện vẫn có gần 150 triệu trẻ em từ 4 tuổi trở xuống không đạt chiều cao chuẩn theo độ tuổi của trẻ, và đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và não bộ ở trẻ. Trong khi đó, 50% trong số trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu không được cung cấp vitamin và khoảng chất thiết yếu.
Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh: "Trẻ không ăn đủ chất sẽ ốm yếu". Bà cho rằng thế giới đang thụt lùi trong cuộc chiến vì chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Trong vòng 30 năm trở lại đây, thế giới cũng phải đối mặt với vấn đề dinh dưỡng khác ở trẻ em đó là thừa cân. Người đứng đầu chương trình dinh dưỡng của UNICEF Victor Aguayo chỉ rõ vấn đề gia tăng tình trạng 3 gánh nặng - gồm thiếu ăn, thiếu dưỡng chất cần thiết, và béo phì - xuất hiện đồng thời ở một quốc gia, thậm chí một khu dân cư, hay trong một gia đình. Theo báo báo, có hơn 800 triệu người trên thế giới ở mọi lứa tuổi đang bị đói ăn, trong khi 2 tỷ người khác ăn quá nhiều và chế độ ăn thừa chất, dẫn tới bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu tiên được coi là nền tảng cho sự phát triển thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, UNICEF nêu rõ chỉ có 2 trong số 5 trẻ dưới 6 tháng được bú mẹ hoàn toàn như khuyến nghị của các chuyên gia. Tình trạng này xuất phát từ việc chuộng sữa công thức hơn sữa mẹ tại nhiều nước trên thế giới. Thống kê cho thấy doanh thu bán loại thực phẩm này đã tăng 40% trên toàn thế giới, trong khi các quốc gia có thu nhập trên trung bình như Brazil, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận doanh thu sữa công thức tăng tới 75%.
Giới chức UNICEF nhấn mạnh việc trẻ không được hấp thụ đầy đủ vitamin và khoáng chất có thể khiến hệ miễn dịch cũng như khả năng thính giác và thị giác ở trẻ bị suy giảm. Trong khi đó, thiếu sắt có thể dẫn tới thiếu máu và giảm IQ.
Ngoài ra, UNICEF ghi nhận hiện tượng cách đây 30 năm ở các nước nghèo không có trẻ thừa cân, song giờ đây tình trạng này lại phổ biến tại các nước nghèo. Theo đó, ít nhất 10% trẻ dưới 5 tuổi tại 75% quốc gia có thu nhập thấp bị béo phì. Người đứng đầu nghiên cứu trên Brian Keeley (Bri-ân Ki-lây) cho rằng các nước cần phải tập trung giải quyết nạn béo phì ngày càng phổ biến trước khi quá muộn. Ông nhấn mạnh chế độ dinh dương mất cân bằng thiên về đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh và đồ uống có đường là nguyên nhân khiến tình trạng béo phì ở trẻ em không có dấu hiệu thuyên giảm.
Đây là báo cáo đầu tiên của UNICEF về Thực trạng trẻ em thế giới kể từ năm 1999.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!