Thành phần chính của sừng tê giác gần giống với… móng tay người

T.H-Thứ hai, ngày 31/03/2014 17:18 GMT+7

Nhằm đấu tranh với tình hình buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác tại Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế đã phát động chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác.

Sừng tê giác không phải là thần dược

Theo Tổ chức cứu trợ động vật hoang dã quốc tế, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ sừng tê giác hàng đầu trên thế giới. Cũng theo số liệu của Chính phủ Nam Phi, gần 60% số đơn xin cấp phép săn tê giác từ năm 2010 là của người Việt Nam. Mặc dù từ tháng 2/2012, Chính phủ Nam Phi đã chính thức ra thông báo ngừng cấp phép cho thợ săn người Việt Nam, tuy nhiên sừng tê giác vẫn tiếp tục vào Việt Nam thông qua các con đường rất đa dạng. Có thể là đường hàng không nối Johansesburg với Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh qua Hong Kong, Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore. Nhưng cũng có thể là tuyến đường bộ thông qua nước láng giềng Lào vào Việt Nam. Thủ đô Maputo của Mozambique cũng đang nổi lên như một cơ sở mới cho việc vận chuyển sừng tê giác ra khỏi châu Phi vào Việt Nam.

‘ Hãy chung tay ngăn chặn nạn buôn lậu sừng tê giác

Sở dĩ có tình trạng này là bởi ở Việt Nam ngày càng có nhiều người coi sừng tê giác như một thứ thần dược. Họ tin vào tác dụng trị ung thư của sừng tê giác dù không có bất kỳ nghiên cứu hay chứng nhận y học nào. Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam, những thông tin về tác dụng của sừng tê giác như chữa khỏi ung thư, giải rượu, tăng khả năng tình dục nam giới, giải độc… là hoàn toàn không có cơ sở khoa học bởi thành phần chính của sừng tê giác gần giống với… móng tay của con người, thậm chí việc sử dụng sừng tê giác còn có thể gây ra ngộ độc.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, ngoài việc tin vào hiệu quả thần kỳ mà sừng tê giác mang lại, nhiều người còn coi việc dùng sừng của loại động vật này như một cách để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Do lợi nhuận từ việc buôn bán sừng tê giác là rất lớn (khoảng 65.000 USD/kg sừng tê giác, được cho là đắt hơn cả vàng và ma túy), nên rất nhiều cá nhân đã bất chấp luật pháp để buôn bán loại sừng này. Tuy nhiên, kéo theo đó tình trạng làm giả sừng tê giác cũng đang rất phát triển. Giám đốc Điều hành Tổ chức cứu trợ hoang dã - ông Wild Aid cho biết, có tới 90% lượng sừng tê giác đang bán tại Việt Nam thực chất chỉ là sừng trâu hoặc các loại sừng khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều người đang phải bỏ ra một số tiền lớn để mua những chiếc sừng tê giác giả mà không hề hay biết.

Buôn lậu sừng tê giác sẽ bị xử lý nghiêm

Chính sự gia tăng nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm gần đây là một trong những nguyên nhân gây nên nạn săn bắn trộm tê giác tới mức kỷ lục ở Nam Phi. Theo một thống kê, tổng số tê giác bị săn trộm ở Nam Phi năm 2013 đã tăng đến 1.004 con. Một con số kỷ lục. Để đối phó với tình trạng này Chính phủ Nam Phi đã xử lý mạnh tay đối với các trường hợp săn bắt, buôn bán trái phép sừng tê giác, trong đó có cả những người Việt Nam.

Điển hình là năm 2010, một người Việt Nam đã bị Tòa án của Nam Phi kết án 10 năm tù vì tội sở hữu trái phép sừng tê giác. Trước đó người này đã bị bắt tại sân bay quốc tế O.R Tambo cùng với 7 chiếc sừng tê giác (nặng 16kg), trong đó có 4 chiếc từ săn bắn trái phép. Ước tính giá chợ đen của những chiếc sừng này lên tới gần 5 tỷ đồng.

‘ Sừng tê giác có thành phần gần giống với móng tay của con người

Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật, tất cả các hoạt động buôn bán sừng tê giác đều bị coi là bất hợp pháp. Trước tình hình buôn lậu, vận chuyển sừng tê giác từ nước ngoài về Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng trong thời gian gần đây, Chính Phủ Việt Nam đang xem xét việc củng cố luật pháp và các hình phạt liên quan đến đến buôn bán bất hợp pháp mặt hàng này.

Một thông tư liên ngành đang được soạn thảo, đưa ra lấy ý kiến để xác định hàng hóa theo số lượng làm căn cứ khởi tố vụ án hoặc xử lý hành chính, trong đó có hành vi buôn bán trái phép sừng tê giác. Theo đó, nếu buôn lậu từ 0,5 kg sừng tê giác trở lên sẽ bị xem xét khởi tố. Động thái này cùng với những hoạt động tuyên truyền gần đây được hy vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam, góp phần làm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước