Trung tâm nghệ thuật này mang tên Bảo tàng sống, là nơi giúp khơi dậy các tài năng nghệ thuật ở các bệnh nhân tâm thần, chữa lành cho họ, cũng như làm thay đổi cách nhìn của cộng đồng với họ.
Cô Paula Brooks đang say sưa hoàn thiện bức tranh đầy màu sắc của mình trong xưởng sáng tác của trung tâm nghệ thuật mang tên Bảo tàng sống ở New York. Đây là nơi cô thường xuyên lui tới trong suốt hơn 2 thập kỷ qua nhằm giúp cô giải phóng bản thân khỏi mọi cảm xúc tiêu cực hay bạo lực .
Nghệ sĩ Paula Brooks chia sẻ: "Mỗi khi tôi đến với xưởng sáng tác này, tôi thấy người mình thật nhẹ nhõm. Tôi có thể dành toàn bộ thời gian trong ngày để vẽ tranh, không có bất cứ điều gì tiêu cực làm gián đoạn quá trình sáng tác của tôi. Vì thế tôi rất vui khi được vẽ tranh ở đây".
Cô Paula Brooks là một trong số khoảng 70 người nghệ sĩ hay đến đây trung tâm nghệ thuật này để sáng tác. Nhiều người trong số họ chủ yếu là bệnh nhân ngoại trú của Viện nghiên cứu tâm thần Creedmoor. Họ không được đào tạo chuyên môn nghệ thuật mà chủ yếu là tự học.
TS. Mitra Reyhani Ghadim (Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Bảo tàng sống) cho biết: "Trung tâm nghệ thuật bảo tàng sống vừa là một xưởng sáng tác vừa là một bảo tàng thông thường. Mọi người đến đây để làm nghệ thuật, sáng tạo hoặc để giao lưu. Đây cũng là không gian trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật lớn nhất của những người mắc bệnh tâm thần ở Mỹ và cả trên thế giới".
Được thành lập từ cách đây 4 thập kỷ, trung tâm nghệ thuật này mang một sứ mệnh cao cả đó là dùng nghệ thuật để chữa lành cho các bệnh nhân tâm thần cũng như giúp cộng đồng thay đổi cách nhìn đối với các bệnh nhân này.
TS. Mitra Reyhani Ghadim nói: "Trên thực tế, những người mắc bệnh thần luôn bị người xung quanh có cái nhìn không mấy thiện cảm. Nhưng tại trung tâm nghệ thuật bảo tàng sống này, điều đó đang thay đổi. Chúng tôi đã tạo ra sân chơi để giúp các bệnh nhân tâm thần trở thành các nghệ sĩ và cộng đồng sẽ có cái nhìn khác về họ. Chính điều này đã giúp chữa lành cho họ".
Không chỉ trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, sắp đặt mà trung tâm giờ đây cò mở thêm các lớp học về khiêu vũ, làm vườn và câu lạc bộ điện ảnh để cho các bệnh nhân thỏa sức được sống trong không gian đậm chất nghệ thuật.
Trong cuộc sống, đôi khi ranh giới giữa những thiên tài với những người được coi là không bình thường rất mong manh. Khơi gợi những tài năng thiên bẩm trong họ không chỉ thể hiện sự nhân văn mà cũng chính là cách chúng ta tìm kiếm và phát triển những tài năng tiềm ẩn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!