Sự thật về chế độ ăn “bền vững”

Thu Trang (theo Everydayhealth)-Thứ sáu, ngày 28/06/2024 08:05 GMT+7

VTV.vn - Lựa chọn chế độ ăn bền vững, giảm bớt thịt đỏ, tăng cường những thực phẩm có nguồn gốc thực vật là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm từ động vật, đặc biệt là chăn nuôi gia súc để lấy thịt, trứng và sữa, gây thiệt hại rất lớn cho môi trường như: Phát thải khí nhà kính, suy thoái tài nguyên đất và nước, phá vỡ hệ sinh thái. Một nghiên cứu gần đây nhất của Đại học Harvard cũng đã chỉ ra rằng, ăn nhiều thịt đỏ không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là tăng nguy cơ tiểu đường type 2. Để khắc phục tình trạng này, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật được xem là giải pháp tối ưu. Nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng cho một chế độ ăn thuần thực vật thì cắt giảm từ từ lượng thịt nạp vào cũng là một cách để giảm bớt gánh nặng cho môi trường. 

Thay thịt đỏ bằng các loại đạm từ thực vật

Một trong những điểm cốt lõi của chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là sự đa dạng, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn. Thịt đỏ cũng chỉ nên chiếm không quá 1/4 lượng protein nạp vào cơ thể. Thay thế một nửa lượng thịt trong các bữa ăn bằng protein có nguồn gốc thực vật sẽ giúp bạn giảm lượng thịt tiêu thụ, đồng thời cũng làm quen dần với chế độ ăn này.

Những thử thách như "Thứ Hai không thịt" cũng là một cách thú vị để bắt đầu hình thành thói quen ăn thuần thực vật.

Sự thật về chế độ ăn “bền vững” - Ảnh 1.

Thịt đỏ gây hại rất lớn cho môi trường (Ảnh: The Telegraph)

Thường xuyên ăn các loại đậu

Theo Trường Y tế Cộng đồng Harvard, đậu Hà Lan và đậu lăng là những loại thực phẩm lành mạnh nhất có thể thay thế cho nguồn đạm từ động vật. Về mặt dinh dưỡng, ngoài protein thực vật, các loại đậu còn cung cấp chất xơ, vitamin B. Những chất này đều góp phần duy trì đường ruột khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa ung thư và tim mạch. 

Nhóm công tác phi lợi nhuận về môi trường (EWG), đã bình chọn đậu lăng là loại protein "toàn diện", vừa có lợi cho sức khỏe con người, vừa thân thiện với môi trường. 

Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc tinh chế có khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe nhưng ngũ cốc nguyên hạt lại được đánh giá cao về lợi ích cho sức khỏe và môi trường. Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF), những loại ngũ cốc truyền thống như: Lúa mạch, kiều mạch, lúa mì, gạo nguyên cám còn nhiều dưỡng chất hơn, đồng thời tăng độ màu mỡ cho đất, bù đắp lượng khí thải carbon. 

Sự thật về chế độ ăn “bền vững” - Ảnh 2.

Đậu lăng cung cấp một lượng đạm thực vật dồi dào (Ảnh: Food Network)

Thay thế cá hồi nuôi bằng các loại động vật có vỏ

Theo BBC, hầu hết cá hồi bày bán trên thị trường đều là cá hồi nuôi vì cá hồi thiên nhiên đã bị cấm đánh bắt với mục đích thương mại. Cá hồi nuôi được cho ăn thức ăn đã qua chế biến và dùng kháng sinh liên tục để tránh nhiễm rận biển. Ăn nhiều cá hồi nuôi không có lợi cho sức khỏe, thậm chí về lâu dài có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

Lựa chọn thay thế tốt nhất là các loại động vật có vỏ như: Hàu, trai, sò điệp… Tất cả đều là nguồn dinh dưỡng dồi dào chứa nhiều axit béo, omega 3, protein và khoáng chất. Động vật có vỏ cũng ít gây tác động tới môi trường, thậm chí còn có thể giúp làm sạch nguồn nước. 

Sự thật về chế độ ăn “bền vững” - Ảnh 3.

Trai có thể thay thế cho cá hồi (Ảnh: The online Fishmonger)

Nấm là một lựa chọn thông minh

Chỉ cần thêm nấm vào khẩu phần ăn sẽ làm tăng chất xơ và một số vi chất mà cơ thể thường thiếu hụt như vitamin D, kali. Theo Viện Y tế Hoa Kỳ, một số loại nấm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là nguồn thực phẩm duy nhất cung cấp vitamin D từ thực vật. Nấm còn có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm và ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh. 

Về tác động môi trường, nấm có thể giúp giảm lượng khí nhà kính, một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. 

Hạn chế phô mai

Phô mai là loại thực phẩm chứa nhiều calo, chất béo và lượng muối cao. Theo các nhà nghiên cứu, ăn nhiều phô mai có nguy cơ mắc bệnh tim mạch,  tiểu đường type 2, tăng huyết áp và đột quỵ

Sự thật về chế độ ăn “bền vững” - Ảnh 4.

Phomai vừa không tốt cho sức khỏe vừa gây hại cho môi trường

Bên cạnh những rủi ro về sức khỏe, phô mai còn tạo ra lượng khí thải nhà kính cao thứ 3 chỉ sau thịt cừu và thịt bò. "Suy cho cùng thì thịt, sữa, phô mai đều có chung một nguồn gốc. Việc chăn nuôi bò tạo ra rất nhiều khí metan, một loại khí nhà kính mạnh gấp 25 lần so với carbon dioxide. Thêm vào đó, phải mất 10 pound sữa mới làm ra được 1 pound phô mai cứng",  Sujatha Bergen - chuyên gia nghiên cứu của chương trình Lương thực và Nông nghiệp toàn cầu nhấn mạnh.

Nếu chưa sẵn sàng nói lời tạm biệt với phô mai, các chuyên gia khuyên bạn hãy chọn những loại được sản xuất trong nước để hạn chế lượng khí thải do vận chuyển. Người tiêu dùng thông minh cũng thường hay mua các sản phẩm hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Để giảm tải cho môi trường thì các sản phẩm ít đậm đặc, như phô mai tươi, là lựa chọn tối ưu vì cần lượng sữa ít hơn trong quá trình sản xuất. 

80% người dân sẵn sàng trả giá cao hơn cho thực phẩm sạch 80% người dân sẵn sàng trả giá cao hơn cho thực phẩm sạch

VTV.vn - Theo một thống kê, có tới 80% người dân sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước