Trà thảo dược đang ngày càng được nhiều người chọn dùng bởi những tính năng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, đã là thảo dược thì các loại trà này cũng chứa một số dược tính trong đó, nếu dùng không đúng thể trạng hay không đúng cách có thể phản tác dụng. Các loại trà thảo dược trên thị trường hiện nay rất đa dạng về chủng loại và hình thức chế biến. Với cùng một nguyên liệu, người tiêu dùng có thể lựa chọn trà ở dạng sơ chế hay đóng gói túi lọc.
Đối với các loại trà có nguồn gốc thực phẩm từ rau quả như: bí đao, đậu bắp, khổ qua, rau đắng…, người bình thường có thể sử dụng với liều lượng tương đương lượng thực phẩm hàng ngày. Với những loại trà không có nguồn gốc từ những loại rau quả ăn hàng ngày như: hoa sơn trà, hoa tam thất, giảo cổ lam, diệp hạ châu, lược vàng…, người tiêu dùng không nên sử dụng thường xuyên.
Hầu hết thảo dược đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau. Việc đun nóng lại trà sẽ khiến thảo dược mất đi các lợi ích từ thiên nhiên. Lời khuyên của nhà sản xuất là mỗi khi sử dụng, người dùng pha chế lượng vừa đủ, không để qua đêm hay hâm đi hâm lại trà. Mặt khác, dù sử dụng ở dạng trà, thảo dược cũng có những tác dụng phụ nếu không biết sử dụng hoặc lạm dụng quá mức.
Trà thảo dược tốt cho sức khỏe nhưng không có nghĩa là có thể uống vào bất kỳ lúc nào trong ngày. Mỗi loại hoạt chất sẽ được cơ thể hấp thu tốt vào một thời điểm cụ thể. Do đó, người dùng cần đọc rõ những thông tin mà đơn vị sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!