Quản lý tiền công đức: "Của một đồng, công một nén"

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 10/02/2023 14:23 GMT+7

VTV.vn - "Của một đồng, công một nén", khi người dân đã tin tưởng trao lòng thành thì nơi tiếp nhận cũng phải xây dựng chữ tín.

Quản lý tiền công đức là một vấn đề thường gây nhiều tranh cãi bởi tính nhạy cảm và phức tạp. Tiền công đức do người dân tự nguyện đóng góp. Phương thức thể hiện lòng thành này cũng là nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của người Việt. Do không phải ngân sách Nhà nước nên việc đòi hỏi công khai minh bạch thường gặp khó khăn. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023 với nhiều điểm mới khoa học hơn, cụ thể hơn.

Với các lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức thì đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội... theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử.

Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 19/3 tới.

Dự báo về tính khả thi những ngày qua, thông tư mới đã được nhiều người vui mừng đón nhận. Bởi nhìn lại cách thức quản lý tiền công đức hiện hành đều dễ nhận ra các vấn đề bất cập. Ở một số nơi, số tiền công đức là rất lớn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh doanh đâu đó xuất hiện, không ít nơi tồn tại hiện tượng mê tín dị đoan, "buôn thần, bán thánh", thiếu công khai, minh bạch nên ở một số nơi, tiền công đức bị thất thoát.

Thất thoát tiền công đức do quản lý lỏng lẻo

Không cộng sổ, không tổng kết, làm theo kiểu "nông dân" vì không nắm được nguyên tắc kế toán là cách quản lý lỏng lẻo tại đền Rừng, phường Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội. Cách quản lý thiếu chặt chẽ thể hiện ở cả việc các cột nội dung trong sổ ghi công đức thiếu nhiều trường thông tin như: ngày tháng, địa chữ, chữ ký người đóng góp. Bất cập hơn toàn bộ số tiền công đức của nhà đền này lại chỉ giao cho một người giữ quỹ theo hình thức gửi tiết kiệm cá nhân. Vì sơ suất này mà số tiền công đức đã không cánh mà bay khi người thủ quỹ thông báo đã bị lừa đảo.

Trước đó, việc quản lý tiền công đức từng xảy ra nhiều lộn xộn, nơi do bị trộm, nơi do trục lợi. Mất tiền công đức là mất mát khó đo lường, nhiều hệ luỵ.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực, Uỷ bản Văn hoá Giáo dục của Quốc hội cho rằng sự không công khai, minh bạch với tiền công đức dẫn đến tranh cãi trong cộng đồng, mất niềm tin trong xã hội, từ đó cho thấy cần có quy chế văn bản pháp luật làm rõ hơn.

Quản lý công đức có khả thi?

Sở dĩ việc quản lý tiền công đức theo cách hiện hành dễ phát sinh bất cập là bởi từ trước tới nay, hoạt động tài trợ cho lễ hội, di tích thường chủ yếu được nhìn nhận ở khía cạnh văn hoá tinh thần. Tuy nhiên những năm gần đây, khi nguồn tiền công đức ngày càng lớn thì việc chúng ta có những quy định mới ở góc độ tài chính được cho là phù hợp.

"Chắc chắn sau khi Thông tư mới được ban hành việc tiếp nhận sẽ đi vào bài bản, quy củ. Yếu tố minh bạch sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, mức độ thực hiện không đạt được toàn diện hay 100%, nghĩa là đâu đó vẫn sẽ có suy nghĩ liên quan việc chi hay sử dụng nguồn thu đúng mục đích hay không, hoặc sự minh bạch trong tiếp nhận chưa được thỏa mãn đối với nhiều tầng lớp xã hội. Một số tầng lớp xã hội có thể sẽ đòi hỏi minh bạch hơn", ông Trần Đình Thành - Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Như vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc quản lý tiền công đức theo yêu cầu mới càng trở nên cần thiết. Làm tốt được điều này không chỉ giúp cho hoạt động công đức, tài trợ tốt hơn, minh bạch hơn mà còn giúp cho lĩnh vực di tích, văn hóa nhận được thêm nhiều sự quan tâm, có thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích. Câu chuyện quản lý tiền công đức tại đền Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh là ví du điển hình.

Với tiền công đức, của một đồng, công một nén, khi người dân đã tin tưởng mà trao lòng thành thì nơi tiếp nhận cũng phải xây dựng chữ tín. Tiền công đức không ai kiểm toán, việc sử dụng đúng sai trông chờ hết vào tinh thần tự kiểm của mỗi người mỗi đơn vị liên quan.

Bộ Tài chính: Nhà nước không quản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo Bộ Tài chính: Nhà nước không quản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo

VTV.vn - Theo Bộ Tài chính, hiện nay Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước