Bộ Tài chính: Nhà nước không quản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo

Thùy Linh-Thứ bảy, ngày 04/02/2023 10:10 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Tài chính, hiện nay Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Quản lý tiền công đức cần minh bạch, rõ ràng

Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư số 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng vẫn không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Chia sẻ thêm về Thông tư này, bà Vũ Thị Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) đánh giá những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập.

"Có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế; còn để xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, nhất là các Khu di tích lịch sử quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt trong đó có di tích là cơ sở tôn giáo, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo", bà Vũ Thị Hải Yến chỉ rõ.

Bộ Tài chính: Nhà nước không quản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính).

Việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình mới, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp cho rằng bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

"Chúng ta đang ở trong bối cảnh của xã hội số, nền kinh tế số, bên cạnh việc công đức, tài trợ theo hình thức bằng tiền mặt, thì việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, không ảnh hưởng đến hành vi, thói quen công đức của người dân và cũng không cản trở các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo", bà Vũ Thị Hải Yến nói.

Vì vậy, việc ban hành Thông tư này thực sự cần thiết, tạo hành lang pháp lý để vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này, giúp đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung.

Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định sử dụng tiền công đức

Có ý kiến cho rằng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04 là nhằm quản lý tiền công đức, tài trợ của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Trả lời vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

"Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội (bao gồm cả việc tự quyết định về nội dung chi và mức chi cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích), bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật", bà Vũ Thị Hải Yến nêu rõ.

Cũng theo bà Vũ Thị Hải Yến, các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ghi chép, quản lý an toàn, công khai, minh bạch để tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.

Bộ Tài chính: Nhà nước không quản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo - Ảnh 2.

Nhà nước không quản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo. (Ảnh minh họa: VGP)

Di tích gồm nhiều loại và quy mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau, lễ hội cũng đa dạng không kém. Theo đó, số thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở mỗi địa phương, từng di tích không giống nhau; có di tích có nguồn thu công đức, tài trợ lớn, nhiều di tích có nguồn thu công đức, tài trợ thấp, thậm chí không có nguồn thu công đức, tài trợ.

"Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế tại địa phương và từng di tích, tại Thông tư này chỉ quy định có tính nguyên tắc, còn mức trích cụ thể để các địa phương tự quyết định", bà Vũ Thị Hải Yến cho biết.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), với di tích thu phí tham quan, nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa (thu phí tham quan) được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Mức thu phí tham quan di tích do cấp có thẩm quyền quy định. 

Số thu phí được sử dụng một phần nộp ngân sách nhà nước, phần còn lại được để lại cho đơn vị thu phí để trang trải các chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Với số thu phí nộp ngân sách thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước, được sử dụng cho các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính ban hành quy định mới về tiếp nhận tiền công đức Bộ Tài chính ban hành quy định mới về tiếp nhận tiền công đức

VTV.vn - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04 về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước