Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; Cục Hàng không Việt Nam; lãnh đạo các địa phương; Sở Du lịch, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không…
Chia sẻ về những khó khăn mà các công ty du lịch gặp phải trong hai năm qua, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Vietravel đưa ra những con số rất cụ thể: Năm 2019, Vietravel phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 7.000 tỉ đồng. Năm 2020 chỉ 350.000 khách, doanh thu 1.600 tỉ đồng so với năm 2019. Và đến năm 2021, dự kiến chỉ khoảng 10% so với năm 2019 với kết quả này kéo Vietravel quay lại kết quả của 10 năm trước.
Công ty có hơn 40 văn phòng trong nước và 6 chi nhánh ở nước ngoài, hiện phải đóng cửa hơn 50% hoặc tạm thời đóng cửa. Toàn hệ thống 1.700 nhân viên và trên 90% nhân sự nghỉ không lương.
Trong khi đó, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) nhấn mạnh: Ảnh hưởng đại dịch COVID-19 lần này ngoài sức tưởng tượng.
Thời gian giãn cách kéo dài ở nhiều địa phương khiến các DN du lịch gặp nhiều khó khăn
Cùng chung nhận định về khó khăn, ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai nhận định: du lịch đã "chạm đáy".
"Mỗi tháng, chúng tôi đón bình quân 4.000 khách nội tỉnh. Khó khăn nằm ở chỗ không được đón khách địa phương khác và khách quốc tế trong khi tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.
Có 1.300 cơ sở lưu trú, 34 đơn vị lữ hành... phải giảm đón khách. Trên 40 dự án đầu tư lớn với trên 50 ngàn tỉ đồng phải triển khai cầm chừng. Rất khó đánh giá được thiệt hại. Nếu như năm 2019, chúng tôi đón 5,5 triệu lượt khách, thu hơn 20.000 tỉ đồng thì năm nay dự tính chỉ thu 3,8 ngàn tỉ đồng", ông Hà Văn Thắng cho hay.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu tại chương trình tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết: Bộ đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.
Đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Theo đó, xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch.
Cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. Chính phủ yêu cầu phải an toàn và chuyển biến linh hoạt.
Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho DN, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Ví dụ, giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung DN để DN du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này; cùng DN xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo...
Cuối cùng là số hóa, ứng dụng công nghệ. "Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Cần xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến DN lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số. Đây là hướng đi trong tương lai", ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Xác định mở cửa an toàn để kích cầu du lịch
Về phía các địa phương, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay: Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại rất lớn, nguồn nhân lực du lịch 15% nghỉ việc; 25% làm việc bán thời gian và còn lại hoạt động cầm chừng. Khách du lịch giảm 90%. Do đó, để khôi phục trở lại, tỉnh xác định mở cửa an toàn để kích cầu du lịch.
Ghềnh Đá Đĩa - biểu tượng du lịch của tỉnh Phú Yên. Ảnh: TTXVN
"Phú Yên đang triển khai tiêm chủng cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Trong bối cảnh ngày nay, không thể dùng giấy như trước mà cần ứng dụng công nghệ; quản lý hiệu quả, trách nhiệm làm sao phục hồi kinh tế là chung của mọi người. Đơn cử, như đi bằng máy bay thì đã có thông tin rõ ràng nhưng còn đường bộ, đường thuỷ, tàu hoả… thì các cơ sở phục vụ trên đường có thể gây rủi ro cho các địa phương khác trên đường đi.
Do đó, tổ chức những điểm dừng chân, điểm đến cũng phải chặt chẽ, hiệu quả để quá trình phục hồi du lịch tốt hơn", ông Trần Hữu Thế nói.
Chia sẻ về kế hoạch của du lịch Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho hay: "Tháng 10, chúng tôi triển khai du lịch nội tỉnh, tháng 11 đón khách ngoại tỉnh. Nếu ổn sẽ khai thác khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Yên Tử với tính chất riêng tư, độc lập. Chúng tôi đề xuất để làm tốt quản trị, không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng. Các bộ ngành nên quan tâm, đồng hành với địa phương, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, chia sẻ chi phí... Địa phương hiện chưa có phần mềm kiểm soát đối tượng nào an toàn. Đây là yếu tố rất quan trọng để chúng ta kiểm soát được".
Quảng Ninh là địa điểm du lịch được rất nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn
Cũng chia sẻ trong tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng đang xây dựng 2 phương án là "đón khách du lịch nội địa và khách quốc tế". Theo hướng dẫn mới nhất của Nghị quyết 128 và quyết định của Bộ Y tế, điều kiện đi lại thuận lợi của người dân trong nước, từ đó hỗ trợ du khách trong nước di chuyển giữa các địa phương và tham quan du lịch; cơ sở để đón khách quốc tế.
Đối với đón khách quốc tế, còn tuỳ thuộc vào yếu tố quan hệ song phương với các thị trường khách đến. Hiện chúng tôi đã nhận được đề nghị từ khách Nga và Hàn Quốc, cũng như mong muốn đón khách nhập cảnh là khách thương mại, các nhà đầu tư và lãnh đạo của các công ty du lịch có thể tới Đà Nẵng để chuẩn bị đón khách du lịch tới các thị trường trọng điểm quốc tế…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!