Mới đây, hàng trăm hiện vật bao gồm ngà voi được chế tác thủ công và ba chiếc bát chứa đầy “thần chú ma thuật” đã được cảnh sát tại Jerusalem tiến hành thu hồi. Tuy nhiên, hiện chưa rõ những cổ vật này có phải là đồ thật hay không và chuyên gia cho rằng một số có thể đồ giả. Cảnh sát nghi ngờ rằng các cổ vật này đã bị cướp từ các địa điểm ở Trung Đông hoặc bị đánh cắp từ các viện bảo tàng. Nhiều hiện vật, bao gồm những chiếc bát bí ẩn có niên đại từ thế kỷ thứ 4 tới thứ 8 sau Công nguyên và một số hiện vật khác có vẻ ngoài như những chiếc bát được làm thủ công tại khu vực mà ngày nay là Iraq.
(Ảnh: Yoli Schwartz/Israel Antiquities Authority)
Amir Ganor – người đứng đầu bộ phận phòng chống trộm cướp của Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết: “Văn tự trên những chiếc bát có thể được các nghệ sĩ, pháp sư viết theo nhu cầu cụ thể của khách hàng. Đó có thể là khỏi bệnh tật, tránh lời nguyền, ma quỷ hoặc tấn công người khác. Ở trong vài chiếc bát, chúng ta có thể thấy được hình ảnh con quỷ ở giữa, đại diện cho đối tượng mà chiếc bát xua đuổi”.
Cảnh sát cũng đồng thời đã thu hồi một số đồ tạo tác bằng ngà voi, được bao phủ bởi các hình vẽ trang trí động vật, hình học… Một vài trong số đó có thể đã được gắn vào các món đồ nội thất. Cảnh sát cũng đã đồng thời tìm thấy tiền xu cổ, đồ thủy tinh và vũ khí.
Những câu thần chú trong chiếc bát có ý nghĩa gì?
Chiếc bát với hình ảnh con quỷ ở giữa (Ảnh: Yoli Schwartz/Israel Antiquities Authority)
Marco Moriggi – Phó giáo sư Khoa học Nhân văn tại Đại học Catania ở Ý cho biết sẽ mất nhiều tuần để có bản dịch và phân tích đầy đủ về những chiếc bát. Christa Muller Kessler – giáo sư tại Đại học Friedrich Schiller, Đức bước đầu cho biết văn tự trong một chiếc bát có thể là của một người đàn ông tên Pahira bar Mahlapta nhằm bảo vệ của cải của mình. Văn tự trong một chiếc bát khác đã gọi tên nhiều vị thiên thần với mục đích bảo vệ cho gia chủ. Chiếc bát khác lại có chi tiết yêu cầu một người “ly hôn” với một con quỷ.
Trong một báo cáo được công bố, IAA cho biết đã tìm thấy hóa chất trong những ngôi nhà mà cảnh sát đột kích, khám xét. Những hóa chất đó có thể đã được sử dụng với mục đích phục chế hoặc làm giả các món cổ vật.
Ở Israel, cổ vật có thể được buôn bán hợp pháp bởi các đại lý có cấp phép trong một số trường hợp nhất định. Liat Naeh – nhà khảo cổ học tại Đại học Toronto cho rằng chính quyền Israel nên cấm hoạt động này để ngăn chặn nạn cướp bóc và buôn bán cổ vật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!