Những đường hằn như vết ô tô thậm chí có thể tồn tại cách đây hàng triệu năm về trước.
Nằm tại khu vực phía tây của Anatolia, trong thung lũng Phrygian ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta thấy những vết lún sâu kỳ lạ, xẻ cắt dọc theo địa hình. Vết lún có chiều sâu thậm chí lên tới gần 1m. Người ta nhận thấy, dấu vết này khá giống với những gì tìm thấy được trên đảo Malta. Rất nhiều người từng đặt câu hỏi ai là người tạo ra những đường rãnh sâu đến thế và bằng cách nào?
Đường rãnh với vết lằn bí ẩn
Quan sát kỹ từ những dấu vết để lại, khoảng cách giữa các rãnh đều nhau, thậm chí phù hợp với khoảng cách của hai bánh xe ô tô trong thế giới hiện đại. Một số nhà nghiên cứu nhận định, đường rãnh bí ẩn này được hình thành do nhân tạo chứ không phải tự nhiên. Bánh xe của nền văn minh cổ đại đi qua bề mặt đất mềm xốp còn bao phủ lớp tro bụi núi lửa. Qua nhiều thế kỷ, bề mặt xung quanh dần hóa đá và vết lún được giữ nguyên.
Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết về đường rãnh này
Đường rãnh đầu tiên được cho là xuất hiện từ Đế chế Hittite (1600-1178 trước công nguyên). Sau đó, đường rãnh thêm hằn sâu bởi bước chân của những người thuộc bộ tộc địa phương như người Phrygia, rồi người Hy Lạp, và cuối cùng tới Alexander Đại đế. Những con đường này rồi trở thành một phần trong mạng lưới đường của La Mã.
Độ sâu của đường rãnh có thể lên tới 1m
Theo một nghiên cứu tiến hành năm 2004 cho thấy, vết rãnh này có thể được tạo nên với mục đích phục vụ cho nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu tin rằng, vết rãnh là đường thoát nước, còn phần ở giữa là luống cây. Giữa khu vực khô cằn tại thung lũng, các rãnh được đào lên để giữ đất và nước. Khoảng cách đều đặn giữa cách rãnh có thể liên quan tới độ dài của những dụng cụ nông nghiệp cách đây chừng 5000 năm trước.
Có nghiên cứu cho rằng, rãnh được tạo thành với mục đích nông nghiệp
Tiến sĩ Alexander Koltypin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc tế Độc lập ở Moscow, Nga, lại đưa ra tuyên bố gây nhiều tranh cãi. Ông khẳng định, vết lún sâu kia là dấu tích của nền văn minh xuất hiện trước cả con người. Tiến sỹ cho rằng, đường rãnh được hình thành do các phương tiện cổ qua lại, nhưng không phải những cỗ xe bò hay xe ngựa có trọng lượng nhẹ thường thấy trước kia. Thay vào đó là "loại xe chạy trên địa hình cổ có kích thước lớn và trọng lượng nặng chưa từng được biết tới".
Tuy nhiên, câu giải đáp chính xác vẫn chưa được tìm thấy
Tuy khoảng cách các rãnh khá đều nhau, trùng khớp với khoảng cách bánh xe hiện đại ngày nay, nhưng chúng quá sâu so với thực tế hiện tại. Điều này khiến người ta tiếp tục đặt câu hỏi về loại phương tiện nào sử dụng vào thời đó.
Hiện tại, những đường rãnh bí ẩn vẫn còn là câu hỏi thách thức các nhà nghiên cứu.