Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc

Thu Thảo-Thứ sáu, ngày 30/08/2024 06:06 GMT+7

VTV.vn - Niềm tự hào của những người thợ may cờ ở làng Từ Vân là được gìn giữ “linh hồn” của đất nước, để lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên dọc dài Tổ quốc và vươn cả năm châu.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho hồn nước, lòng dân phấp phới giữa quảng trường Ba Đình lịch sử đã nói thay cho niềm vui của triệu triệu con người Việt Nam thời điểm ấy. Nhưng có lẽ, những người thợ thủ công ở làng Từ Vân còn mang trong mình nỗi niềm rạo rực, bồi hồi và tự hào khó tả, vì chính họ là những người đã tỉ mỉ xẻ từng miếng vải, xâu từng mũi kim, đo từng kích thước và may từng đường chỉ để làm nên những chiếc cờ đó. Những lá cờ đầu tiên được may bằng tinh thần Việt Nam, niềm vui chiến thắng và niềm tin với Đảng, với Bác Hồ.

Đã gần 80 năm kể từ ngày nước mình được khai sinh và có Quốc kỳ đỏ thắm với ngôi sao vàng năm cánh, cho đến ngày hôm nay, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội vẫn thổn thức và canh cánh sứ mệnh “thổi hồn” cho lá cờ Tổ quốc. Ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội trở nên đặc biệt hơn bất cứ nơi đâu vì có nét nghề độc đáo và công việc thiêng liêng - may Quốc kỳ nước Việt.

Theo các sách vở và lời các cụ kể lại, nghề làm cờ xuất hiện cùng sự đi lên của đất nước và dưới ánh sáng của Cách mạng. Những người thợ may cờ đầu tiên của làng Từ Vân là những người được Uỷ ban Kháng chiến mời về làm cờ cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Tôi nghĩ, người ở làng Từ Vân đã gửi rất nhiều tin yêu vào lá cờ của mình. Trong những ngày đất nước vẫn đứng trong bóng tối nhá nhem của chiến tranh đến những ngày đất nước chập choạng giải phóng, họ đều tận tụy may vá, thêu thùa với niềm mong mỏi lá cờ ấy sẽ tung bay ở mọi chân trời góc bể trên dải đất hình chữ S này. Được sinh ra sau thống nhất, trong thanh bình của thế kỷ mới, tôi không có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những người thợ bước ra từ khói lửa của thế kỷ XX. Nhưng tôi biết rằng, lá cờ đỏ sao vàng mà họ đã khéo léo, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ đã cùng dân tộc Việt Nam trải qua biết bao trận đánh đau thương, đã đắp lên tấm thân anh dũng của những chiến sĩ anh hùng, đã hoà vào niềm vui chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đã rực rỡ bay cao trong bầu trời độc lập, thống nhất. Như thế, phải chăng những người thợ may cờ ở làng Từ Vân có thể tự hào vì đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, vì những lá cờ họ may đã “bay theo đường dân tộc đang bay”?

Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 1.

Lá cờ đỏ sao vàng “bay theo đường dân tộc đang bay” trong ngày Cách mạng tháng Tám thành công. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày nay, làng vẫn có rất nhiều thợ làm cờ, nhưng chỉ có vài hộ gia đình mở xưởng to. Quy trình làm cờ gói gọn trong vài bước: lên bản vẽ, cắt vải, may thêu chi tiết, và đóng gói thành phẩm. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại mất rất nhiều công sức. Những người thợ ở đây chia sẻ, khó nhất là bước may viền ngôi sao vì nó phải đều, phải thẳng, phải đúng kích cỡ. Hồi còn làm thủ công hoàn toàn, ngôi sao được thêu tỉ mẩn bằng chỉ vàng. Nhưng thời thế thay đổi, nhiều lá cờ hiện nay được dùng vải vàng để may ngôi sao thay vì thêu tay truyền thống. Dẫu rằng bây giờ máy móc đã hỗ trợ nhiều, nhưng tôi vẫn thấy đâu đó sự thiêng liêng, cao quý của nghề này. Có lẽ bởi đó là cái nghề gìn giữ hồn thiêng sông núi, sống còn vì sự trường tồn của nước non.

Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 2.

Đường may thắm tình đất nước. (Ảnh: Hồng Sơn)

Anh Nguyễn Văn Phục với thâm niên 30 năm làm nghề chia sẻ: “Tôi đã bắt đầu may cờ phụ bố mẹ từ năm 17 tuổi. Vì thích nên tôi quyết định nối nghề, và tôi rất vinh dự khi được sản xuất hàng vạn lá cờ đang tung bay khắp mọi miền Tổ quốc”. Anh Phục là thế hệ làm nghề sau, ngày ngày thoăn thoắt bàn tay gầy guộc của mình để “giữ lửa” cho làng. Bây giờ xã hội phát triển, kinh tế ngày càng được chú trọng nên làng làm nghề quanh năm và bận rộn nhất vào các dịp lễ lớn. Đến làng vào mùa thu Cách mạng, nghe tiếng máy may, nhìn những cuộn vải dày, ngắm những lá cờ phẳng phiu, trông ai ai cũng tất bật, lòng ta sẽ tự rộn ràng tình yêu nước.

Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 3.
Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 4.
Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 5.

Công việc theo người thợ làng Từ Vân từ những năm tháng dân tộc “đói nghèo trong rơm rạ” đến lúc đất nước có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. (Ảnh: Hồng Sơn)

Lá cờ lớn nhất gia đình anh Phục từng làm có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 anh em dân tộc, treo ở đỉnh Lũng Cú, Hà Giang. Bằng tâm sức của người làm nghề chân chính, anh Phục cảm thấy vô cùng tự hào khi nhìn thấy thành quả lao động của gia đình mình bay trên điểm cực Bắc của Tổ quốc.

Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 6.

Lá cờ đỏ sao vàng bay tự do trong nắng gió tại đỉnh Lũng Cú, Hà Giang. (Ảnh: Ba đứa mình)

Ở Từ Vân, người ta không chỉ may cờ Tổ quốc mà còn may cả cờ Đảng. Hai loại cờ có chi tiết khác nhau nhưng vẫn cùng màu, cùng chất liệu và đều là niềm kiêu hãnh của dân tộc. Tôi ngẫm, chừng nào những người thợ của làng Từ Vân còn đau đáu chuyện truyền nghề, còn thiết tha công việc sớm tối thì chừng ấy làng vẫn còn sức sống. Mà còn có thể hiểu là, chừng nào toàn thể dân tộc Việt Nam còn một lòng một dạ, đoàn kết đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì chừng ấy người làng Từ Vân còn may cờ để giữ nước.

Hiện giờ, những người thợ ở làng có đủ già, trẻ, gái, trai. Lớp trước dạy nghề cho lớp sau. Lớp sau nối nghiệp ông bà, bố mẹ. Họ yêu và muốn kế thừa truyền thống cao đẹp của làng. “Tôi thật sự rất phấn khởi khi con cháu trong gia đình muốn theo nghề, vì thế tôi đã và đang truyền nghề cho thế hệ kế cận” - anh Phục tâm sự.

Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 7.
Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 8.

Những lá cờ đang được may tỉ mỉ. (Ảnh: Hồng Sơn)

Những người thợ ở Từ Vân đã làm ra một “sản phẩm” đặc biệt. Nhìn trên phương diện nào tôi cũng thấy nghề may cờ đáng được trân quý. Cờ được may triệu chiếc như một, đều tăm tắp, chuẩn chỉnh từng li. “Kích thước của cờ được quy định, nhưng chúng tôi còn có trách nhiệm với đất nước, có lòng thành kính với cha ông nên không thể vội vàng làm cho xong được. Như vậy là phải tội” - một người thợ may cờ chia sẻ.

Trong mấy mươi năm qua, lá cờ đỏ sao vàng đã cùng dân tộc đi ra từ chiến tranh, ngoặt qua từng khúc cua lịch sử; đã từ làng Từ Vân đến những nơi cùng trời cuối đất. Từ đất liền đến hải đảo, từ địa đầu Lũng Cú non thiêng đến Mũi Cà Mau ngút ngàn rừng đước, từ những cánh rừng cao vút đến những đảo chìm, đảo nổi xa tít trùng dương, đâu đâu cũng thấy Quốc kỳ nước mình rực rỡ trên khoảng trời lồng lộng. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến mỗi người con đất Việt rưng rưng xúc động và người làng Từ Vân tự hào về công việc của mình.

“Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta/ Vui tung tăng em ca có Đảng cuộc đời nở hoa”. (Ảnh: Mộc Nhiêu, Nguyễn Thưởng)

Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 10.
Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 11.
Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 12.
Những người thợ xẻ vải, xâu kim, thêu sao vàng, dệt hồn Tổ quốc   - Ảnh 13.

Thủ đô Hà Nội nhuộm màu cờ trong mùa thu năm 2024. (Ảnh: Phạm Tú)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước