4 năm qua, công việc hàng ngày của chị Urmila chưa bao giờ thay đổi. Những sinh hoạt đều đặn, tẻ nhạt và thiếu tiếng cười. 4 năm sau ngày lấy chồng, chị mong mỏi đến ngày được gặp chồng lần thứ hai.
"Anh ấy đi lao động ở Malaysia khi mới cưới được 1 tháng, bố mẹ chồng cũng đã mất, tôi chẳng có gì ngoài sự cô đơn. Nếu là Tết Diwalli ngày xưa, chúng tôi thường đi đền cầu nguyện, nấu món Siwonti rồi cả nhà quây quần. Nhưng đã mấy năm rồi, tôi không đi đâu cả" - chị Urmila Bhudal, làng Chhaling, Nagarkot, Nepal chia sẻ.
Nhà bà Mirmala may mắn hơn khi 3 con trai đi xuất khẩu lao động vùng Vịnh, còn có 2 cô con dâu và vài đứa cháu. Nhưng càng đông thì gánh nặng cơm áo càng nặng. Ruộng đồng không có, mùa vụ gặt thuê cũng đã qua.
Có khoảng 100 gia đình giống nhà bà Mirmala ở làng miền núi Chhaling. Với tỷ lệ thất nghiệp cao tới 46%, xuất khẩu lao động được xem là con đường duy nhất ở Nepal. Mỗi ngày, có 1.500 người rời khỏi Nepal đi làm ăn xa. Đến mức, ở Chhaling, người ta nói rằng, những người phụ nữ đã quen với việc đổi kiều hối cho sự cô đơn.
Chỉ trong một thập niên, 1/10 dân số Nepal, đã ra nước ngoài kiếm sống, để lại người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Đất đai nông nghiệp hầu như bị bỏ hoang. Thống kê hiện cho thấy, mức sống trung bình không hề tăng tỷ lệ thuận với những hợp đồng xuất ngoại. Người ở lại đã bắt đầu nhận thấy sự đánh đổi quá đắt đỏ cho mỗi cuộc ra đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!