Những lầm tưởng về nấm độc mà bạn dễ mắc phải

Thùy Hương (Theo Sạch hay bẩn)-Thứ bảy, ngày 26/08/2017 09:00 GMT+7

VTV.vn - Dân gian thường truyền miệng rằng những loài nấm có màu sặc sỡ là nấm độc. Tuy nhiên, đây là sai lầm mà rất nhiều người mắc phải.

Thời gian này đang là mùa mưa tại nhiều địa phương. Thời tiết nóng ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi để các loài nấm phát triển mạnh. Nếu như người dân vùng đồng bằng có thói quen tự trồng nấm để ăn thì người dân vùng núi lại thường sử dụng nấm hoang để làm thực phẩm. Đáng tiếc, hàng năm, có không ít trường hợp ngộ độc do ăn phải nấm hoang.

Tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 1.000 loại nấm, trong đó, nấm làm thuốc có khoảng hơn 200 loài, nấm làm thực phẩm có khoảng 100 loài, nấm độc cũng có khoảng từ 70 – 100 loài. So với các loại ngộ độc khác, số ca ngộ độc do nấm ít hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Một mẹo nhỏ để phân biệt nấm độc với nấm lành mà dân gian thường rỉ tai nhau, đó là nấm độc thường có màu sặc sỡ. Tuy nhiên, điều này có hoàn toàn đúng?

Theo PGS.TS Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cách phân biệt nấm độc mà dân gian thường truyền miệng là không chính xác. Ông cho biết những loại nấm sặc sỡ thường không độc bằng những loại nấm trắng mà nhiều người hay gọi là nàng tiên trắng. "Nấm ăn được thường không sặc sỡ và có màu trắng muốt hoặc trắng ngà. Tuy nhiên, nấm độc cũng có màu sắc như vậy", ông chia sẻ.

Ngoài ra, cách phân biệt nấm độc bằng việc quan sát xem liệu kiến có ăn chiếc nấm đó hay không hoặc thử độc bằng cách cho gia súc ăn trước cũng là một sai lầm thường gặp ở người dân. PGS.TS Phạm Duệ cho rằng nhiều loài gia súc không nhạy cảm với chất độc như con người. Việc thử độc trên gia súc trước khi ăn nấm hoàn toàn không đảm bảo liệu loại nấm đó có an toàn với con người hay không.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước