Đa dạng là sức mạnh, đoàn kết để phát triển
Tổng thư kí VYMUN 2916, Chủ tịch VYCO Ngô Di Lân phát biểu khai mạc.
Đây là lần thứ 3 VYMUN (Vietnamese Youth Model United Nations) được
tổ chức bởi Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO). VYCO do Ngô Di
Lân - nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Brandeis, Mỹ (2015-2020) sáng lập năm
2014.
Với mong muốn lập một diễn đàn trao đổi về các vấn đề kinh tế, chính
trị và xã hội quốc tế mang tính sát thực cao cho thanh niên, góp phần
giúp các bạn trẻ nâng cao nhận thức về Liên Hợp Quốc và các vấn đề quốc
tế, phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng mềm, đặc biệt
là kỹ năng hùng biện và đàm phán, Lân và VYCO đã lập niên VYMUN.
Tại lễ khai mạc VYMUN 2016, các bạn trẻ đã có cơ hội gặp mặt, giao
lưu và đối thoại trực tiếp 3 diễn giả là cán bộ cấp cao trong lĩnh vực
ngoại giao, gồm: Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (Cố vấn cao cấp, Ban thư kí
APEC 2017, Chủ tịch danh dự Nhóm "Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội), Vụ
trưởng Đặng Hoàng Giang (Thư kí Phó thủ tướng Phạm Bình Minh) và Đại
sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius. Ngay sau lễ
khai mạc, phiên họp VYMUN 2016 sẽ kéo dài 3 ngày 2 đêm (29/7 - 31/7) với
các hoạt động mô phỏng Liên Hợp Quốc.
Các bạn trẻ Việt 3 miền háo hức lắng nghe.
Phần diễn văn mở đầu lễ khai mạc của Tổng thư kí VYMUN 2016 Ngô Di
Lân đã làm sáng rõ chủ đề "Thống nhất trong đa dạng: Giấc mơ hay hiện
thực?" của chương trình. Ngô Di Lân bày tỏ ước mơ thế giới hòa bình,
phát triển thống nhất hướng tới tương lai tốt đẹp trong sự đa dạng. Sự
đa dạng phải được xem là sức mạnh và tạo nên khối đoàn kết chứ không
phải mầm mống xung động, bất ổn.
Tổng thứ kí 9X này nhấn mạnh: "Chúng ta là người Việt Nam! Chúng ta đã
và sẽ mãi mãi là một dân tộc, một quốc gia. Chúng ta chia sẻ một lịch
sử dân tộc hết sức hào hùng. Không ai có thể làm cho các cường quốc run
sợ như chúng ta. Hãy bỏ ngoài tai những gì người ta nói. Sự đa dạng
khiến cho chúng ta mạnh mẽ hơn! Bây giờ hơn lúc nào hết, chúng ta cần
phải gạt những sự khác biệt sang một bên để tập trung vào những điểm mà
chúng ta cùng chia sẻ, cùng nhất trí.
Thế nhưng toàn cầu hoá có nghĩa rằng thế giới đang ngày một thu
nhỏ lại. Chúng ta, những người Việt Nam, được nhắc nhở hàng ngày rằng
chúng ta không phải là những người duy nhất sinh sống trên trái đất này.
Thế nên chúng ta phải gạt sự tự hào dân tộc của mình sang một bên và
dang tay chào đón tất cả những người bạn của mình ở khắp năm châu.
Bề ngoài của họ có thể khác chúng ta, họ có thể nói bằng một thứ
ngôn ngữ khác, và họ có thể có những tập quán khác lạ. Tệ hơn, đôi khi
lợi ích của họ sẽ xung đột với lợi ích của chính chúng ta. Thế nhưng
trong sâu thẳm, chúng ta đều là những con người. Chúng ta cùng nhau sinh
sống trên trái đất này, số phận của chúng ta là không thể tách rời.
Nếu người dân Trung Quốc phải chịu đựng ô nhiễm môi trường, điều
đó ảnh hưởng đến tôi. Nếu những kẻ khủng bố tấn công châu Âu, điều đó
khiến tôi bất an hơn. Nếu nước biển dâng lên, nó sẽ nhấn chìm không trừ
một ai. Các bạn đừng quên rằng đoàn kết là sống, chia rẽ là chết".
Chính bởi ở thực tại, giấc mơ về một thế giới đoàn
kết trong đa dạng vẫn chưa hoàn thiện nên VYMUN 2016 đã lấy "Thống nhất
trong đa dạng: Giấc mơ hay hiện thực?" làm chủ đề chính.
"Nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Sự đoàn kết trong đa dạng có thể
chưa nằm trong tầm với của chúng ta ngay lúc này, nhưng tôi tin rằng
tất cả chúng ta, những thanh niên ưu tú của thế giới, chúng ta, những
người nắm tương lai trong đôi tay mình, có thể biến giấc mơ này trở
thành sự thật và khiến cho trái đất này trở thành một nơi tốt đẹp hơn
cho các thế hệ mai sau", Ngô Di Lân phát biểu.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và
Vụ trưởng Đặng Hoàng Giang có những chia sẻ chân thực về con đường sự
nghiệp và câu chuyện nghề ngoại giao.
Muốn đóng góp cho ngoại giao, không nhất thiết phải vào ngành
Là nữ Vụ trưởng đầu tiên của Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương ở Bộ Ngoại
giao, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, phu nhân của Phó thủ tướng - Bộ trưởng
Ngoại giao Phạm Bình Minh là một trong những cá nhân có đóng góp hết sức
quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và nay
là Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký, Ủy ban Quốc gia APEC 2017.
Chia sẻ với những "nhà ngoại giao tương lai" của VYMUN 2016, bà
Nguyệt Nga khẳng định "ngoại giao không chỉ là mặc đẹp, bắt tay, lễ tân
mà sau tất cả giá trị đọng lại ở trí tuệ, đó là bản lĩnh, đối nhân xử
thế đúc kết trong hoạt động chung của xã hội". Đặc biệt, bà còn truyền
cảm hứng cho các bạn nữ dấn thân vào con đường ngoại giao qua chính câu
chuyện của mình.
Nữ Đại sứ tâm sự với các bạn trẻ về cơ duyên đến với ngoại giao khi
bà lớn lên trong thời kỳ ước mơ bắn hết sạch máy bay Mỹ từ năm 6-7 tuổi.
Sau này, đất nước có hòa bình, bà luôn tự hào và mong muốn tìm cách
quảng bá Việt Nam đổi mới đến bạn bè quốc tế. Có bố mẹ đều là nhà ngoại
giao, bà càng muốn nối nghiệp gia đình. Những hình ảnh các nhà nữ ngoại
giao nữ xuất sắc cũng đã truyền cảm hứng cho bà quyết tâm chọn con đường
ngoại giao và chứng minh, những gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng
làm được.
Bí quyết để theo đuổi sự nghiệp ngọai giao của Đại sứ Nguyễn Nguyệt
Nga là "dân vận" gia đình. Bà tâm sự, cũng có lúc nghi ngờ về con đường
đã chọn nhưng nhờ cân bằng gia đình và việc xã hội, bà tìm niềm vui và
động lực phấn đấu, vượt qua khó khăn trong công việc ngoại giao từ
chồng, con cái, bố mẹ.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius góp mặt trong talkshow 2 của chương trình.
Vụ trưởng Đặng Hoàng Giang (Thư kí Phó thủ tướng Phạm Bình Minh) lại
chia sẻ vui về câu chuyện lựa chọn nghề ngoại giao vì ước mơ "ngồi xe
cắm cờ, ăn mặc đẹp, đi đây đi đó" hồi bé. Nhưng sâu thẳm vẫn là ước mơ
đóng góp một điều gì đó lớn lao cho đất nước, bởi tuy không trải qua
chiến tranh nhưng ông lớn lên bằng câu chuyện của người bố "vào sinh ra
tử" với lửa đạn. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngoại giao, Đại sứ
Nguyễn Nguyệt Nga và Vụ trưởng Đặng Hoàng Giang đã tiết lộ những "bí
mật" trong quan hệ ngoại giao song phương, đa phương, câu chuyện ngoại
giao tại Liên Hợp Quốc…
Hai vị diễn giả cũng đánh giá cao chủ đề của VYMUN 2016 khi thể hiện
"trúng" vấn đề của thế giới và thách thức của đất nước nói riêng. Đại sứ
Nguyễn Nguyệt Nga nhắn nhủ: "Đất nước cần các cháu, hãy trí tuệ như
ngày hôm nay. Dù là nam hãy nữ, dù ở đâu hãy rèn bản lĩnh, thực sự bản
lĩnh, trí tuệ và phải tinh tế trong ứng xử.
Bởi lẽ, "đối nhân xử thế" là rất cần ở thế kỷ 21, chúng ta không chỉ
cần công nghệ hay máy tính. Rèn luyện sức sáng tạo, thể hiện vai trò với
đất nước bằng các ý tưởng. Với các các cháu nữ hãy tin là mình làm được
tất cả những gì mình muốn, vượt lên bản thân và có gia đình đồng hành
cùng".
Còn Vụ trưởng Đặng Hoàng Giang thì mong, mỗi bạn trẻ áp dụng khẩu
hiệu của Liên Hợp Quốc: "Muốn tạo sức mạnh thúc đẩy và đóng góp ngoại
giao không nhất thiết phải vào ngành ngoại giao mà mỗi người hãy là một
đại sứ của Việt Nam. Hãy đại diện cho con người Việt Nam khi ra nước
ngoài. Một doanh nhân gốc Việt làm ăn đúng luật nước sở tại chính là một
đại sứ nâng hình ảnh Việt Nam, đóng góp chính sách ngoại giao bằng
những hình ảnh rất nhỏ….
Phải thống nhất mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy mục tiêu
chung, duy trì hòa bình cho đất nước. Chúng ta cùng chí hướng chung,
phương châm chung để đạt chính sách đối ngoại và nâng vị thế của Việt
Nam".