Nắng nóng sốc nhiệt: Làm sao để xử lý đúng cách?

Minh Đức-Thứ năm, ngày 06/06/2019 17:38 GMT+7

VTV.vn - Nếu gặp một người có dấu hiệu sốc nhiệt như mặt đỏ bừng, da khô nóng, đau đầu, buồn nôn, mệt lả thì cần sơ cứu ban đầu kịp thời, hạn chế nguy cơ đột quỵ

Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 6, nắng nóng tiếp tục quay trở lại miền Bắc. Các chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng gay gắt vẫn có thể diễn ra trong thời gian này dẫn đến sốc nhiệt, đột quỵ, tỷ lệ tử vong cao, tương đương với đột quỵ do tim hoặc đột quỵ do não.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung (BV Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ, cơ thể ở ngoài nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể khiến nhiệt độ cơ thể lên đến 39 - 41 độ, dẫn đến biểu hiện như chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức, ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể như tim phổi, hệ thần kinh. Đối với những người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường, rối loạn mỡ máu còn có nguy cơ bị đột quỵ.

Thời gian qua, cũng đã xảy ra không ít trường hợp đột quỵ do sốc nhiệt, nắng nóng, người đột quỵ dễ tử vong nếu không được sơ cứu ban đầu kịp thời. Trong nhiều trường hợp, nếu kịp thời sơ cứu hạ thân nhiệt thì có thể đẩy lùi nguy cơ đột quỵ do sốc nhiệt. Bác sĩ Nguyễn Thị Dung cho biết: "Nếu thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, sau nắng với các biểu hiện như mặt đỏ, da khô nóng, người mệt lả, đau đầu, buồn nôn thì phải khẩn trương sơ cứu hạ nhiệt. Đưa người bệnh đến khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để hạ nhiệt cơ thể. Đồng thời, gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống còn 38,5 hay 39 độ C và chuyển đến cơ sở y tế nhanh nhất".

Ngoài ra, đối với những bệnh nhân sốc nhiệt hoặc đột quỵ có nguy cơ tuần hoàn thì cần phải sơ cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong khi đợi xe cấp cứu, bằng cách này sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Để hạn chế nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng, người dân nên hạn chế đi ra ngoài đường, trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng; Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol để bổ sung điện giải. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Đối với những người làm việc trong văn phòng, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Đặc biệt, thời điểm 12 – 16 giờ là nhiệt độ cao nhất trong ngày, do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

sốc nhiệt

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước