Môi trường có thể thay đổi chỉ số IQ ở cấp độ di truyền

An Trang (dịch)-Thứ ba, ngày 09/10/2018 22:33 GMT+7

Môi trường có thể tác động tới chỉ số IQ của con người ở cấp độ di truyền?

VTV.vn - Kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường và chỉ số IQ có mối liên kết cực kỳ quan trọng.

Cuộc tranh luận về quan điểm trí thông minh do di truyền hay do nuôi dưỡng phức tạp hơn nhiều so với phát hiện môi trường có thể thay đổi một gen quan trọng trong bộ não, từ đó tác động đến trí thông minh con người.

Tuy vậy, phát hiện này có thể không gây bất ngờ nếu bạn nhớ rằng có rất nhiều gen ảnh hưởng đến chỉ số IQ của chúng ta. Thậm chí những trải nghiệm căng thẳng có thể ức chế hoặc kích hoạt các gen này. Dù vậy, việc đưa ra minh chứng rõ ràng cho mối liên kết này, không nghi ngờ gì, sẽ khuấy động một cuộc tranh luận về nguồn gốc của trí "thông minh".

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Charité, Berlin đã thực hiện nghiên cứu trên một nhóm thanh niên khoẻ mạnh. Họ phân tích đặc điểm gen của những người tham gia và so sánh kết quả với các chỉ số thông minh và đặc điểm thần kinh khác nhau.

Trong trường hợp lý tưởng nhất, nhóm nghiên cứu sẽ khảo sát một mẫu đủ lớn để xem xét được toàn bộ các bộ gen. Tuy nhiên, với chỉ 1.500 đối tượng tham gia, họ buộc phải tập trung vào một số ít các gen có liên quan đến khả năng tiên đoán phản ứng của bộ não, cụ thể hơn là của thể vân (trung khu vận động dưới vỏ của bộ não).

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một mối quan hệ chặt chẽ giữa những thay đổi biểu sinh của một gen cụ thể và chỉ số IQ thông thường. Họ cho rằng các trải nghiệm không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống bộ não mà còn tác động tới cách thức hoạt động của gen ở mức độ cơ bản. Ví dụ, hút thuốc lá làm thay đổi đặc điểm ngoại gen bên trong tế bào phổi, từ đó gây ra bệnh ung thư. Các tác động ngoại cảnh khác cũng được cho là chứa đựng bên trong trí nhớ biểu sinh của tế bào.

Di truyền học biểu sinh (Ngoại di truyền học) đã trở thành một phát hiện lớn trong ngành di truyền học những năm gần đây bởi nó cho phép chúng ta khám phá mối liên kết thú vị giữa chức năng di truyền và các yếu tố môi trường.

Ví dụ, vào những thời điểm căng thẳng, như khi bị đe doạ về bạo lực hoặc bị đói quá lâu, sự thay đổi sinh lý trong cơ thể có thể điều chỉnh bộ gen bằng cách thêm vào hoặc loại bỏ một nhóm chất có thể bật tắt các gen một cách hiệu quả. Ngoài ra, cũng có những cách tác động đến cấu trúc gen một cách tích cực hơn. Việc bộc lộ tình yêu thương với trẻ sơ sinh thông qua việc âu yếm trẻ thường xuyên có thể thay đổi cấu trúc gen của chúng.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sở hữu chuỗi gen DRD2 bị khoá sẽ có tỷ lệ IQ giảm. Loại gen này thường tham gia xây dựng thụ thể (một phân tử protein nằm trên màng tế bào hay nằm trong tế bào chất của tế bào mà nhận những tín hiệu hóa học từ bên ngoài một tế bào) cho chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Với những ai "được" di truyền phiên bản DRD2 khoá hoặc bị đột biến, nguy cơ mắc chứng rối loạn thần kinh hay rối loạn cơ bắp khá cao. Ở mức độ thấp hơn, tác động sẽ làm hạn chế khả năng giao tiếp hay sự năng động.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho mối liên hệ tiềm năng này, đó là sự phân bổ mô trong khu vực não bộ của những người có DRD2 biến đổi kém dày đặc hơn những người không sở hữu loại gen đã bị biến đổi này.

Trong khi những thay đổi khá rõ ràng để nhận biết, các nhà nghiên cứu cho biết rất khó để tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên những thay đổi này. Những trải nghiệm căng thẳng thời thơ ấu được cho là sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của con người sau đó, bất kể có bao nhiêu thay đổi khác tác động đến hệ thần kinh.

Dù chưa thể chứng minh được mọi thay đổi biểu sinh đều sẽ đưa chúng ta đến một cuộc sống giàu có, bênh tật hay, trong trường hợp này là sự thông minh vượt trội, những tác động nhỏ hơn vẫn có thể dễ dàng quan sát được.

Các nhà khoa học từng giả thuyết rằng trí nhớ ngoại gen của tế bào (gây ra bởi các tác động môi trường) sẽ bị xoá sạch trong quá trình phát triển của tinh trùng và trứng, do đó, khó có thể vượt qua ranh giới thế hệ. Ngược lại, các thay đổi biểu sinh trong các mô bán cầu não phải được cho là có thể được di truyền cho các thế hệ sau.

"Hoạt động gen gây ra bởi môi trường hiện nay đã được công nhận là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IQ" - Jakob Kaminski, một trong những nhà nghiên cứu, chia sẻ - "Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã có thể quan sát được mỗi cá nhân với thay đổi biểu sinh và hoạt động não bộ dưới tác động môi trường khác nhau sẽ có điểm số bài kiểm tra IQ khác nhau".

Những thí nghiệm về trí thông minh thường thu hút nhiều sự quan tâm, đi kèm với nhiều tranh luận trái chiều. Đôi khi, những công cụ đo lường như bảng hỏi, giả thuyết tình huống hay giả thuyết về sự khác biệt chủng tộc khiến chúng ta cảm thấy khó chịu khi bị hỏi liệu trí thông minh con người là do di truyền, hay do sự nỗ lực và chăm chỉ.

Đây rõ ràng là một chủ đề phức tạp nhưng khi các bằng chứng xuất hiện ngày càng nhiều, chúng ta sẽ nhìn rõ hơn bức tranh về cách thức hoạt động của bộ não và làm rõ được chủ đề này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước