Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước

Phương Anh, Quỳnh Mai-Chủ nhật, ngày 10/12/2023 10:00 GMT+7

VTV.vn - Múa rối nước làng Đào Thục Đông Anh, Hà Nội) đã có từ hơn 300 năm nay. Để giữ gìn “cái nôi của nghệ thuật múa rối nước truyền thống” ấy, lớp học dạy múa rối đã ra đời.

Mỗi tối cuối tuần, trong sân thủy đình làng Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) lại nô nức tiếng hò reo, đèn được thắp lên để đón các bạn trẻ trong làng. Ánh sáng sau tấm màn che từ buồng trò, tiếng chèo, tiếng câu thoại qua lại,... tạo nên những thanh âm sống động, vang vọng dưới đêm trăng.

Những “người thầy” giữ hồn rối

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của nghề múa rối nước mà cha ông để lại, phường múa rối Đào Thục đã tổ chức lớp học dạy múa rối vào mỗi tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, dành cho các bạn nhỏ tầm độ từ 13 đến 16 tuổi trong làng. Có một điểm chung từ những người trực tiếp dạy tại lớp học này, đó là họ đều là những nghệ nhân múa rối ở làng Đào Thục.

Hưởng ứng cuộc vận động tổ chức mở lớp dạy học của phường, vào các buổi tối, những nghệ nhân này thay phiên nhau đứng lớp. Đặc thù rối nước chia thành hai phần hoạt động chính: đó là ở trên cạn, trong buồng trò; và ở dưới mặt nước, là nơi luyện tập biểu diễn múa rối. Các em sẽ được phân chia thành từng nhóm phù hợp, bắt đầu luyện tập theo sự dẫn dắt của “thầy cô” hướng dẫn.

“Các nghệ nhân trong phường đều có thể truyền dạy, thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau. Ai có kinh nghiệm quân nào thì truyền lại cho các cháu. Vì nhiều khi người này diễn quân này rất là hay, còn quân kia lại không được hay lắm.” – Anh Đinh Hoàng Vân, Phó phường múa rối Đào Thục chia sẻ.

Những bài thực hành ở dưới nước cùng với nghệ nhân lành nghề trong làng, giúp các em có thể cầm chắc thân con rối. Theo anh Vân, con rối phải vững, không được nghiêng ngả, điều khiển rối nước sao cho khéo léo, phải diễn sao để ra cái hồn, cái đặc sắc của nhân vật, câu chuyện mới được truyền tải hấp dẫn. 

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 1.

Các thành viên xuống nước luyện tập cầm rối

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 2.

Những động tác đưa rối được biểu diễn bởi nghệ nhân lành nghề trong làng

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 3.

Những bạn trẻ được tham gia trực tiếp học cách cầm rối. Có đôi chút khó khăn nhưng ai cũng háo hức.

Bên cạnh đó, các bài học ở trên cạn được dạy đồng thời với hoạt động dưới sân khấu rối nước. Đó là bài học về luyện thanh, luyện thoại, là những điệu chèo quen thuộc được cất lên từ chất giọng vỡ lòng, từ thanh âm véo von của các em học sinh.

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 4.

Bài học luyện thoại ở trên cạn.

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 5.

Những câu hát chèo lần đầu được học khiến ai cũng hứng khởi.

Anh Vân khẳng định: “Nhạc chèo làm sao mà khi biểu diễn phải khớp được cả trên cạn và dưới nước với nhau. Nhiều khi dưới nước phụ thuộc trên cạn, trên cạn phụ thuộc dưới nước. Hai bên phải cân đối với nhau thì buổi biểu diễn mới hay và thành công được”.

Lớp học nhiều thế hệ

Đều đặn mỗi 8 giờ tối, em Đinh Hoàng Giang (16 tuổi) cùng với các bạn trong thôn luôn có mặt đầy đủ trong sân thủy đình để học múa rối. Sinh ra và lớn lên tại Đào Thục – nơi nuôi dưỡng và bảo tồn văn hóa rối nước lâu đời – nên em đã được tiếp xúc với nghề rối nước từ sớm. Chính vì vậy, trong 2 năm nay em đã rất hào hứng tham gia lớp học mỗi tối cuối tuần. “Bố em là nghệ nhân múa rối nước lâu năm nên em muốn lan truyền giá trị văn hóa tốt đẹp này của cha ông ạ”. - Em Đinh Hoàng Giang chia sẻ.

Em Đinh Nguyệt Ánh (13 tuổi) tâm sự rằng, các bác nghệ nhân hướng dẫn em nhiệt tình, các bạn học sôi nổi, không khí lớp tràn đầy vui tươi, phấn khởi: "Từ khi 5 tuổi em đã biết đến rối nước, nhưng chỉ 1 tháng trở lại đây em mới tham gia lớp học múa rối cùng các bạn. Em được luyện học nhiều tích trò khác nhau, như vở “Cá bơi lội”, “Câu ếch”, “Vỡ nước”,... và em đặc biệt ấn tượng nhất là vở “Hà Nội - Chiến thắng 12 ngày đêm” do bác Đinh Thế Văn biên soạn ạ”. Với Ánh, được học cách phối hợp và biểu diễn một vở múa rối chính là trải nghiệm quý giá và là kỷ niệm không thể nào quên của em.

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 6.

Các bạn trẻ đều được học cách biểu diễn nhiều tích trò khác nhau.

Một điều hết sức trân quý từ ngôi làng rối nước đã 300 năm tuổi này, đó là các “giáo án” được biên soạn là kết tinh của những giá trị, tinh hoa được đúc kết từ cha ông. Anh Đinh Hoàng Vân nhớ lại: “Ngày xưa, do ảnh hưởng của chiến tranh, phường rối nước của làng đã có thời gian bị mai một. Bắt đầu từ khóa 1984 đến năm 2001 thì mới mở lớp dạy đầu tiên. Tôi là một trong những thế hệ đầu tiên học nghề từ lớp học ấy”.

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 7.

Anh Đinh Hoàng Vân say mê với công việc của mình

Đến nay đã 22 năm tuổi nghề, anh Đinh Hoàng Vân vẫn không thôi trăn trở tìm cách để giữ lửa nghề truyền thống. Ngoài nghiên cứu, phục dựng các tích trò cũ, anh Vân cùng nhiều nghệ nhân khác trong làng thay phiên nhau “đứng lớp”, truyền dạy cho lớp thế hệ trẻ trong làng kinh nghiệm đời mình qua những buổi học múa rối.

Đau đáu giấc mơ giữ lửa nghề

Trải qua những cuộc biến thiên của lịch sử, phường múa rối Đào Thục tồn tại đến nay đã hơn 300 năm. Bởi vậy, vấn đề bảo tồn nghề múa rối truyền thống, đặc biệt làm sao để truyền lửa, truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ sau này để tiếp nối và gìn giữ luôn là bài toán khó và trăn trở cho chính quyền địa phương.

Lớp học dưới ánh trăng và những “người thầy” giữ hồn rối nước  - Ảnh 8.

Những con rối nước làng Đào Thục.

Ông Đặng Minh Hưng – Trưởng phường múa rối Đào Thục trăn trở: “Các bạn trẻ bây giờ khi tham gia lớp học này, thì ngoài hứng thú ra, động cơ lại không có nhiều. Sau này các cháu có ở lại với nghề hay không thì lại là chuyện khác. Các cháu sẽ phải đi học, phải tham gia công việc xã hội,... thì với thu nhập ở phường rối hiện tại sợ không đáp ứng được cho các cháu. Chưa có động cơ quyết tâm theo nghề, giữ nghề, các cháu chưa có nhận thức ấy”.

Các nghệ nhân ở phường múa rối Đào Thục cho rằng, biểu diễn múa rối nước không phải nghề chính yếu của họ, khi không có khách tham quan, người dân trong làng sẽ đi làm các công việc đồng áng khác để cải thiện đời sống. Đối với họ, múa rối là niềm say mê, là sự trân trọng và tự hào, vậy nhưng thu nhập từ nghề múa rối lại không đủ để trang trải cuộc sống. Bởi vậy, chưa thể dùng yếu tố kinh tế làm động lực để thu hút thế hệ trẻ được.

Nói về định hướng trong tương lai, ông Hưng cho biết: “Phường phải đạt mục tiêu kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; phải nâng cao chất lượng biểu diễn, hợp tác với các trang thông tin truyền thông; đề nghị Nhà nước tăng cường chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân múa rối. Và đặc biệt là, tăng cường mở lớp để đào tạo, truyền cảm hứng cho các cháu, mong muốn các cháu gắn bó hơn với nghề”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước