Man rợ, hung dữ và có kích thước quá khổ, đà điểu đầu mào chắc chắn không phải là một loài lý tưởng để con người thuần hóa và bầu bạn. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên rằng, một nghiên cứu trên hơn 1.000 mảnh vỏ trứng hóa thạch thu thập từ các hầm trú ẩn cổ đã chỉ ra rằng có thể trong quá khứ, con người đã cất giữ trứng của đà điểu đầu mào, đợi nở và nuôi dưỡng chúng đến khi trưởng thành. Nghiên cứu này đã được tiến hành tại New Guinea – một hòn đảo ở phía bắc nước Úc.
Tác giả chính của nghiên cứu – Kristina Douglass cho biết: “Việc nuôi dưỡng này có thể đã xuất hiện hàng nghìn năm trước khi loài gà được thuần hóa”. Các nhà nghiên cứu cho biết dù vô cùng dữ tợn, đà điểu đầu mào lại dễ dàng ghi nhớ và trở nên gắn bó, trung thành một cách tự nhiên với thứ đầu tiên nó nhìn thấy sau khi nở. Chính đặc điểm này đã khiến chúng được lựa chọn để nuôi dưỡng bởi con người. Các vỏ trứng được nghiên cứu đã có niên đại dao động từ 6.000 đến 18.000 năm tuổi.
Chân của đà điểu đầu mào (Ảnh: CNN)
Để đưa ra kết luận cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích vỏ trứng của một số loài chim như gà tây, đà điểu và đà điểu Emu. Vì mặt trong của vỏ trứng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của con non nên với kỹ thuật dùng hình ảnh 3D kiểm tra bên trong trứng, các nhà nghiên cứu có thể xây dựng được hình ảnh của riêng từng giai đoạn. Áp dụng kĩ thuật này vào các mảnh vỏ trứng hóa thạch, nghiên cứu xác định được rằng những quả trứng này được thu thập khi gần nở và đà điểu đầu mào non đã hình thành đủ các chi, mỏ, lông và móng vuốt.
Một con đà điểu đầu mào con tại New Guinea (Ảnh: CNN)
Một số giả thuyết cho rằng con người 18.000 năm về trước đã thu thập những quả trứng này với mục đích dùng làm thực phẩm. Đây cũng có thể là một giả thuyết đúng bởi những quả trứng có phôi đã hình thành được coi là món ngon ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những nghiên cứu của Douglass lại cho thấy rằng người trong quá khứ đã cố gắng ấp và đợi loài chim khổng lồ này nở ra bởi có rất ít dấu hiệu cháy xém được tìm thấy trên vỏ trứng. Cô cho biết: “Ở một số cao nguyên ngày nay, người ta vẫn nuôi đà điểu đầu mào trưởng thành để lấy lông, lấy thịt hay buôn bán. Chúng khá được giá vì đây là một trong những loài động vật có xương sống lớn nhất tại New Guinea”.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn còn đối mặt với khá nhiều câu hỏi lớn xoay quanh cách con người xác định tổ, xác định thời điểm ngay trước khi trứng nở để thu thập. Đây không phải là một công việc dễ dàng, đòi hỏi sự khéo léo và kì công. Một giả thuyết cho rằng những người thợ săn thời bấy giờ đã theo dõi con đực để tìm ra vị trí tổ và trứng bởi con đực đảm nhận nhiệm vụ ấp trứng trong khoảng 50 ngày trước khi chúng nở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!