Loại bỏ muỗi vằn hoành hành trên hai hòn đảo chỉ trong 2 năm

P.L (dịch)-Thứ tư, ngày 31/07/2019 16:44 GMT+7

Muỗi vằn là loài trung gian chuyên gieo rắc mầm bệnh và rất khó kiểm soát

VTV.vn - Chỉ trong hai năm, các nhà khoa học gần như đã quét sạch muỗi vằn - loài muỗi xâm lấn nhất thế giới khỏi hai hòn đảo ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc.

Loài muỗi vằn, còn được biết đến với tên gọi là muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus), đã mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bao gồm Zika, sốt xuất huyết và chikungunya - một bệnh dịch lạ gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Loài côn trùng này cũng nổi tiếng về khả năng khó kiểm soát.

Chỉ riêng trong bốn thập kỷ qua, kẻ hút máu độc ác này đã lây lan từ ngôi nhà nguyên thủy của chúng ở châu Á đến mọi lục địa khác trên Trái đất, ngoại trừ Nam Cực. Nhiều khu vực đã không thể chống chọi lại chỉ với các loại vắc-xin và thuốc điều trị hạn chế đối với những bệnh mà chúng truyền. Tác động của loài muỗi này đối với sức khỏe cộng đồng không hề tương xứng với kích thước nhỏ bé của chúng.

Tuy nhiên, một thử nghiệm thực địa về kỹ thuật kiểm soát muỗi sáng tạo được thực hiện cách đây không lâu cho thấy chúng ta có khả năng thay đổi tất cả điều đó. Bằng cách kết hợp hai phương pháp hiện có, các nhà khoa học đã giảm số lượng muỗi vằn tới 94% trên hai hòn đảo ở Trung Quốc. Trong một số trường hợp, không có một quả trứng muỗi hổ nào được tìm thấy trong tối đa 13 tuần.

Theo một đánh giá gần đây, Peter Armbruster, một nhà sinh thái học nghiên cứu về muỗi tại Đại học Georgetown, cho biết kết quả này rất đáng chú ý và chứng minh tiềm năng của một công cụ mới mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm do muỗi.

Phương pháp được thực hiện theo cách tiếp cận hai hướng, bao gồm bức xạ để khử trùng muỗi và một chủng vi khuẩn từ chi Wolbachia giúp ngăn trứng muỗi nở. Cùng với nhau, khi hai cách tiếp cận này được áp dụng cho muỗi được nuôi trong phòng thí nghiệm, chúng dường như hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với từng cách tiếp cận đơn lẻ.

Các kỹ thuật sử dụng bức xạ hiện nay hoạt động bằng cách thả côn trùng đực vô trùng vào môi trường để chúng sinh sản với con cái (chỉ giao phối một lần), làm giảm kích thước tổng thể của quần thể chúng. Vấn đề được áp dụng ở đây là việc chiếu xạ có xu hướng làm cho những con đực này ít cạnh tranh tình dục và cũng có nhiều khả năng tử vong.

Việc sử dụng vi khuẩn để giảm bớt việc sinh sôi của muỗi lại ít gây hại cho từng cá thể muỗi, tuy nhiên, chúng chỉ hoạt động nếu con đực trưởng thành bị nhiễm bệnh chứ không phải con cái hoang dã. Nếu cả con đực và con cái đều bị nhiễm vi khuẩn, chúng sẽ không gặp vấn đề gì trong việc sinh ra những muỗi con khỏe mạnh.

Loại bỏ muỗi vằn hoành hành trên hai hòn đảo chỉ trong 2 năm - Ảnh 1.

Vòng đời của muỗi

Việc nghiên cứu tỉ mỉ những con côn trùng đực và cái trong phòng thí nghiệm là một công việc khó khăn và ngay cả khi các nhà khoa học nỗ lực hết sức, việc vô tình thả con cái bị nhiễm Wolbachia dù chỉ có tỷ lệ xảy ra khoảng 0,3% nhưng có thể phá hoại toàn bộ nhiệm vụ.

Do đó, giải pháp mới là đưa những con muỗi bị nhiễm Wolbachia vào phòng thí nghiệm và sau đó khiến chúng bị bức xạ ở mức độ thấp, khử trùng hoàn toàn bất kỳ con cái nào trong khi con đực vẫn có thể sinh sản.

Điều này không chỉ đem lại hiệu quả về lý thuyết mà còn thành công trong thực tế. Bằng cách loại bỏ việc kiểm tra giới tính của muỗi, nhóm nghiên cứu có thể sản xuất và giải phóng số lượng lớn những con muỗi được nuôi trong phòng thí nghiệm này - tổng cộng khoảng hai trăm triệu con - trong một thành phố có tốc độ truyền bệnh sốt xuất huyết cao nhất ở Trung Quốc.

Sau hai năm, những phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy sự suy giảm tới gần 97% các vết muỗi đốt mà người dân địa phương ở hai hòn đảo này phải chịu. Thêm vào đó, mỗi năm, số muỗi cái trưởng thành hoang dã trung bình bị bắt trong mỗi bẫy giảm từ 83 đến 94%, không có con nào được phát hiện trong tối đa 6 tuần.

Theo nhóm nghiên cứu, một số ít muỗi còn sót lại trên đảo có lẽ đã di cư từ bên ngoài khu vực nghiên cứu. Điều này cho thấy khu vực sẽ không có muỗi trong thời gian dài. Nếu kỹ thuật này có thể được thực hiện ở quy mô lớn hơn, nó có thể tạo ra một nơi hoàn toàn không có muỗi vằn và các căn bệnh chết người mà chúng mang theo.

"Nghiên cứu của chúng tôi dự tính chi phí tổng thể trong tương lai của việc can thiệp vận hành hoàn toàn bằng cách sử dụng phương pháp thân thiện với môi trường này sẽ vào khoảng 108 USD/ha" - ông Ziyong Xi, một nhà vi sinh học và giáo sư di truyền học phân tử tại Đại học bang Michigan tuyên bố.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature. Chỉ trong hai năm, các nhà khoa học gần như đã quét sạch loài muỗi xâm lấn nhất thế giới khỏi hai hòn đảo ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước